Để triển khai tốt quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Tổng Giám đốc BIDV Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết: BIDV đề xuất Việt Nam cần sớm ban hành các quy định định danh điện tử, đồng bộ các cơ sở dữ liệu cá nhân như: Thuế, bảo hiểm, chứng khoán…để tiến tới việc định hạng tín nhiệm công dân quốc gia. Bộ Công an cần sớm cho phép tích hợp với các ứng dụng của ngân hàng qua các kết nối API (giao diện chương trình ứng dụng) hoặc SPK để việc khai thác các thông tin trực tuyến trên các kênh số sẽ giúp chính xác, các giao dịch được liền mạch hơn.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có các hướng dẫn bổ sung các thông tư để tạo điều kiện cho các ngân hàng điện tử như cho vay, xác thực giao dịch bằng ứng dụng căn cước công dân (CCCD) chip được thuận tiện, nhanh chóng và đơn giản hơn.
BIDV hiện là ngân hàng tiên phong trong triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến dịch vụ công cấp độ 3, 4; tập trung vào 2 nhóm nội dung chính. Thứ nhất đã có hàng nghìn loại phí, lệ phí dịch vụ công người dân có thể thanh toán trực tuyến bằng đăng nhập duy nhất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và có thể thanh toán trên hệ thống thanh toán của BIDV. Thứ hai, BIDV cũng phối hợp với Tổng cục Thuế xây dựng các tính năng kết nối giữa tài khoản thuế của người dân với tài khoản của ngân hàng một lần duy nhất để thực hiện các giao dịch thuế. Toàn bộ quá trình đối soát và lưu trữ với tất cả các cơ quan liên quan được thực hiện tự động, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng in các chứng từ liên quan đến lĩnh vực nộp thuế của mình để có thể hoàn tất giao dịch.
Việc ứng dụng dữ liệu CCCD đã giúp BIDV hoàn thiện và phát triển kỹ năng số của mình đồng thời mở rộng hệ sinh thái thông qua nền tảng BIDV Smartbanking dành cho khách hàng cá nhân hoặc BIDV ibank dành cho khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi việc tích hợp và xác thực dữ liệu CCCD được phát triển, mở rộng hơn là cơ hội để ngân hàng có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người dân từ giải trí, giáo dục, nghỉ dưỡng… đến vay online trên nền tảng của các ngân hàng.
Hiện, tỷ trọng số lượng giao dịch trên kênh số của BIDV chiếm đến 93%, giao dịch số của riêng năm 2021 bằng cả 3 năm trước cộng lại. Tốc độ tăng trưởng của số lượng khách hàng theo cấp số nhân qua các năm. Khi ứng dụng giải pháp phương thức điện tử eKYC số lượng khách hàng mở tài khoản số BIDV thành công lên đến 2 triệu khách hàng.
Tương tự, đại diện TPBank chia sẻ: Ngân hàng đã xây dựng hệ sinh thái thanh toán cung cấp hơn 2.000 sản phẩm và dịch, bởi 50 đối tác. Số lượng giao dịch thanh toán tháng 6.2022 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 600.000 giao dịch/tháng. Các hệ thống số mang lại kết quả rất tích cực, lượng khách hàng tăng lên nhiều, các giao dịch tăng theo cấp số nhân. Lãnh đạo TPBank kiến nghị: Việt Nam cần sớm liên thông dữ liệu công tư, cho vay trên nền tảng số, cơ chế thực hiện có kiểm soát đồng bộ...để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của ngân hàng.
Còn đại diện Vietcombank cho biết: Dịch vụ mở tài khoản trực tuyến qua eKYC đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Với tấm thẻ CCCD gắn chip, khi mở tài khoản ngân hàng, dù ở bất kỳ thời điểm nào, nơi đâu, khách hàng chỉ cần tải App Vietcombank, chụp hình CCCD và quét khuôn mặt là có thể mở tài khoản và bắt đầu các giao dịch trực tuyến trên ngân hàng số VCB Digibank.
Bên cạnh đó, VCB CashUp là nền tảng ngân hàng số toàn diện nhất Vietcombank. Theo đó, hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại trên nền tảng số do ngân hàng cung ứng sẽ đem đến cho khách hàng tổ chức có thể tiết kiệm tối đa thời gian xử lý giao dịch; nâng cao chất lượng quản lý khoản phải thu - khoản phải trả; minh bạch toàn bộ dòng tiền, tối ưu hóa trạng thái của tổ chức. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng VCB Digibiz sẽ giúp doanh nghiệp giao dịch mọi lúc mọi nơi. Khách hàng chỉ cần sử dụng 1 tên truy cập, 1 mật khẩu để sử dụng dịch vụ trên các kênh với 1 hạn mức giao dịch thống nhất.
Theo Vụ Thanh toán - NHNN, hiện nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử eKYC; hoàn thiện Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox); ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn chung (QR Code, tiêu chuẩn thẻ Chip); ban hành các quy định về an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động ngân hàng...
“Về hạ tầng cho chuyển đổi số, cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay con số đã lên tới 8 triệu giao dịch/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/1 ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Đã có sự kết nối liền mạch, khách hàng qua các ứng dụng Mobile Banking có thể xem mình dùng bao nhiêu số điện, thanh toán tiền, ngay lập tức kho dữ liệu gạch hóa đơn và hạch toán ngay”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết. Đại diện NHNN khẳng định, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng với chi phí hợp lý tin cậy cho cả các đối tượng yếu thế trong xã hội.