Cần sớm hoàn thiện bộ chỉ tiêu về kinh tế số theo chuẩn quốc tế

- Thứ Năm, 09/09/2021, 20:39 - Chia sẻ
Chiều 9.9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục- Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến đồng chủ trì hội thảo.
	Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu tại Hội thảo
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được sửa đổi, bổ sung nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế. Trên tinh thần này, Ban soạn thảo đã giữ nguyên: 134 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; sửa tên 41 chỉ tiêu để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế. Bổ sung 40 chỉ tiêu để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. 11 chỉ tiêu được bỏ do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu khác.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây. Theo đó, 18 chỉ tiêu phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 54 chỉ tiêu phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững; 24 chỉ tiêu phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới...

	Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo
Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Các chuyên gia tham dự hội thảo thống nhất và đánh giá cao đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Đây là yêu cầu cấp thiết khi có nhiều thay đổi trong thời gian qua, nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Các chuyên gia cũng đề nghị, việc xây dựng chỉ tiêu thống kê quốc gia cần chú ý bảo đảm có tính kế thừa và phù hợp với thực tế; phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; bảo đảm đơn giản, đo lường được, khả thi và kịp thời; tiết kiệm nguồn nhân lực, tài chính...

Nhóm chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thành quả cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những nhóm chỉ tiêu thống kê được bổ sung quan trọng lần này (chiếm 40% số chỉ tiêu được bổ sung, sửa đổi).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần sớm hoàn thiện Bộ chỉ tiêu về kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế; bám sát vào mục tiêu và quan điểm xây dựng, hoàn thiện chỉ tiêu thống kê quốc gia trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ và thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngày càng đi vào thực chất.

	Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Giải trình các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, quá trình nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu thống kê quốc gia trong thời gian qua đều được cơ quan thống kê thực hiện bám sát thông lệ thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp với Tổng cục Thống kê để rà soát, thống kê những chỉ tiêu liên quan đến nền kinh tế số, Chính phủ số.

Ghi nhận các ý kiến góp ý của chuyên gia về bộ chỉ tiêu nền kinh tế số, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ ngồi với chuyên gia, các bộ, ngành liên quan và cơ quan chủ trì thẩm tra để thống nhất các chỉ tiêu được đưa vào Danh mục. Bởi, về nguyên tắc, khi quyết định bổ sung chỉ tiêu thống kê vào Danh mục nêu trên phải có khái niệm, định nghĩa rõ ràng, phương pháp tính, nguồn thông tin, phân công trách nhiệm cho cơ quan chức năng phù hợp.  

Lê Bình