Phiên họp thứ Tư Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cần rõ nét hơn trọng tâm ngành, lĩnh vực cụ thể cần cơ cấu lại

- Thứ Ba, 12/10/2021, 18:34 - Chia sẻ
Chiều 12.10, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp

Tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng

Tờ trình về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Kết quả thực hiện góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hạn chế, yếu kém như: cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch; hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA; còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước; nợ đọng thuế còn cao; việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, gây lãng phí, thất thoát; mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn…

Trong thời gian tới, trong bối cảnh nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đã bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Kế hoạch cũng đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19

Trình bày Báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8.11.2016 của Quốc hội một cách đúng hướng, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,27% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch.

Tuy nhiên, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cần được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công, như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước.

Về quan điểm và mục tiêu tổng quát của Kế hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu về nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng của một số ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên; phát triển đô thị, kinh tế đô thị, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Về mục tiêu và chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi và nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp; bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công...

Điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo, đồng thời tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Toàn cảnh Phiên họp

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả các quốc gia, kể cả các nước phát triển hiện nay đều không tránh khỏi suy giảm về kinh tế - xã hội. Khác biệt giữa các quốc gia, tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch hay bị tụt hậu lại phía sau chính là sự chuẩn bị và lựa chọn chính sách tương ứng với dịch bệnh trong tình hình mới; do vậy "chiến dịch phục hồi kinh tế chủ động trong và sau dịch", cần được thể hiện mạnh mẽ, rõ nét trong Kế hoạch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, tác động của đại dịch có thể còn kéo dài, do đó cần điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng, theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững, hài hòa giữa văn hóa, an sinh xã hội và môi trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện kế hoạch để cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần rõ nét hơn trọng tâm các ngành, lĩnh vực cụ thể cần cơ cấu lại, tập trung vào các giải pháp thực hiện gắn liền với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cần đẩy nhẹ phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

Hồ Long