Cần quyền tự quyết
Cuối cùng thì trước sức ép của phương Tây và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền INITE, ông Jude Celestin, đành rút lui khỏi cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Haiti dự kiến diễn ra trong tháng 2. Động thái này sẽ mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Haiti, song cũng cho thấy đất nước Trung Mỹ này đang mất dần quyền tự quyết.
![]() |
Ứng cử viên Michel Martelly, người sẽ thay thế cho ứng cử viên Jude Celestin vừa rút lui khỏi cuộc bầu cử, tham gia vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống |
Ảnh: Reuters |
Sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 28.11 năm ngoái, chính trường Haiti chưa một ngày yên ổn. Kết quả bầu cử cho thấy cựu Đệ nhất phu nhân Mirlande Manigat dẫn đầu với 31,37% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên đảng cầm quyền Jude Celestin về thứ hai với 22,49% số phiếu, và Michel Martelly về thứ ba, chỉ kém Celestin 1% số phiếu. Khoảng cách sít sao này đã làm dấy lên những nghi ngờ về gian lận. Trước tình trạng này, OAS đã phải giúp Haiti kiểm lại phiếu, đồng thời đề nghị ứng cử viên Celestin nên rút khỏi cuộc bầu cử vòng hai. Mỹ, Anh, Pháp cũng gia tăng sức ép buộc Tổng thống Rene Preval rút ứng cử viên này khỏi cuộc đua. Do không ứng cử viên nào giành được số phiếu bầu quá bán, Haiti phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai.
Trớ trêu ở chỗ khi Celestin ngậm ngùi rút khỏi cuộc đua thì một ứng cử viên mới lại xuất hiện. Sau 25 năm lưu vong tại Pháp, cựu độc tài khét tiếng Jean - Claude Duvalier, có biệt danh “Baby Doc”, lại trở về Haiti để “giúp đỡ nhân dân”. Lạ lùng là Bộ Ngoại giao Mỹ và Pháp đang tích cực tăng sức ép, không phải để đưa “Baby Doc” ra tòa vì những tội ác đẫm máu, vi phạm nhân quyền trong quá khứ, mà nhằm đưa những ứng cử viên mà phương Tây ưa thích vào vòng hai. Có thể thấy sự can dự của phương Tây vào chính trường Haiti đang đẩy đảo quốc Caribê nghèo đói và bị tàn phá bởi thiên tai và dịch bệnh này vào tình trạng mất phương hướng.
Có tin cho biết các quan chức bầu cử đã thay đổi kết quả của một cuộc bỏ phiếu mà không tiến hành kiểm phiếu lại. Họ đã loại 234 biên bản kiểm phiếu, và do đó thay đổi kết quả bầu cử. Đây là một quyết định hết sức lạ lùng, không xảy ra ngay cả tại các cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi nhất (Florida 2000, Mexico 2006). Dư luận Haiti cho rằng OAS, hay nói cụ thể hơn là Mỹ- nước luôn điều khiển bộ máy khu vực trong những trường hợp tương tự- đang muốn lái kết quả bầu cử tại Haiti theo ý mình.
Điều đáng chú ý là 6/7 thành viên của “Đoàn chuyên gia kiểm định” của OAS là người Mỹ, Canada và Pháp, trong khi Pháp thậm chí còn không phải là thành viên của OAS. Dường như tổ chức khu vực này không tìm nổi một chuyên gia kiểm phiếu nào tại Mỹ Latin, vì thành viên còn lại là người Jamaica, Caribe. Cần nhớ rằng chính phủ Mỹ, Canada và Pháp cũng là những nhân tố chỉ đạo nỗ lực lật đổ cựu tổng thống được bầu lên một cách dân chủ Jean-Bertrand Aristide vào năm 2004. Còn những tài liệu ngoại giao do Wikileaks vừa tiết lộ cho biết Mỹ từng gây sức ép để Brazil giúp ngăn cản việc cựu tổng thống Aristide về nước và nỗ lực cản trở ông Aristide tạo ảnh hưởng lên chính trường Haiti từ Nam Phi- nơi ông sống lưu vong. Aristide đã và đang là chính trị gia được lòng dân nhất tại quốc gia Caribe này.
Báo cáo của OAS cũng “quên” tường trình sự việc 1.300 biên bản kiểm phiếu, tương đương với 156.000 phiếu bầu, bị thất lạc. Con số này cao gấp 6 lần số biên bản bị loại, và biết rằng những khu vực phiếu thất lạc này có xu hướng ủng hộ ông Jude Celestin, rất có thể trên thực tế ông là người đứng thứ hai. Vấn đề nữa là OAS chỉ kiểm tra 919 trong tổng số 11.181 biên bản kiểm phiếu, điều này sẽ là bình thường nếu họ áp dụng phương pháp thống kê thông thường và liên hệ với 92% phiếu bầu còn lại, tuy nhiên chi tiết này cũng bị “bỏ qua”.
Và khi không có sức mạnh logic, phương Tây chuyển sang áp dụng logic sức mạnh, qua các phương tiện truyền thông gửi lời đe dọa tới cả Tổng thống René Préval rằng ông sẽ bị “cộng đồng quốc tế” trục xuất lưu vong nếu không công nhận kết quả sửa đổi trên. Đây không phải là lời đe dọa suông khi người tiền nhiệm Aristide của ông cũng từng bị cưỡng bức rời Haiti trên một máy bay của Mỹ.
Rõ ràng Haiti đang chịu sức ép rất lớn trước cuộc bầu cử vòng hai. Trên thực tế, giải pháp rõ ràng nhất cho bế tắc hiện tại là thực hiện một cuộc bỏ phiếu mới. Có tới 3/4 số cử tri đã không tham gia bỏ phiếu vòng một, phản ánh sự thật rằng chính đảng lớn nhất- không phải vô tình là đảng của cựu tổng thống Aristide- đã bị khéo léo loại bỏ bằng một số quy định. Có vẻ Mỹ, Pháp và đồng minh không muốn mạo hiểm đặt cược vào một cuộc bầu cử tự do và minh bạch tại Haiti để đem lại kết quả không như ý muốn. Chìa khóa cho bế tắc hiện nay là Haiti cần nêu cao quyền tự quyết.