Cần quy hoạch chung tổng thể vùng ĐBSCL nhằm bảo đảm diện tích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Một trong những nội dung phát triển KT-XH trong thời gian qua là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG NGUYỄN THỊ KIM BÉ khẳng định, tỉnh Kiên Giang là vùng sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn của khu vực ĐBSCL nói chung với nhiệm vụ là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Do đó, muốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần quy hoạch chung tổng thể của cả vùng ĐBSCL nói riêng, nhằm bảo đảm diện tích sản xuất nông nghiệp để giữ vững nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.
- Một trong những nội dung phát triển KT-XH trong thời gian qua là lĩnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực này?
![]() |
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé: Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có chủ trương quan tâm đến phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, quyết định ban hành các chính sách đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa trong nông nghiệp, làm giảm tổn thất sau thu hoạch và góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong ngành nông nghiệp. Đây là một sự phấn khởi rất lớn của nông dân. Tại tỉnh Kiên Giang, là vùng sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn của khu vực ĐBSCL với nhiệm vụ là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chính vì vậy chính quyền các cấp, Đảng bộ tỉnh rất quan tâm, đã xây dựng riêng đề án đầu tư cho lĩnh vực này. Qua đó, nông nghiệp từng bước phát triển, sản xuất nâng lên rất nhiều. Đặc biệt trong quy hoạch vùng sản xuất, Kiên Giang đã xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, đã cho năng suất cao, có những nơi đã được thử nghiệm lúa vụ ba, qua thử nghiệm cho thấy năng suất cũng tương đương với những lúa vụ khác.
Tuy nhiên, theo tôi muốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để làm nhiệm vụ trọng tâm của đất nước cần có quy hoạch chung tổng thể của cả vùng ĐBSCL. Rất mừng tại kỳ họp vừa qua QH cũng đưa ra kế hoạch quy hoạch đất đai đến năm 2020, trong đó có quy hoạch về đất nông nghiệp. Tôi cho rằng vấn đề này rất cần thiết, cần phải làm thế nào để bảo đảm diện tích sản xuất nông nghiệp để giữ vững nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước. Chính vì vậy, vấn đề đầu tư cho lĩnh vực này cần đặc biệt phải quan tâm.
- Đối với vùng ĐBSCL thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đại biểu có thể cho biết vấn đề xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp?
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé: Song song với việc phát triển KT-XH thì vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp là một vấn đề đáng báo động. Hiện nay, môi trường trong sản xuất nông nghiệp đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng, nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm như nước biển dâng làm đất sản xuất bị xâm ngập mặn. Nhưng nguyên nhân cơ bản nữa đó là người nông dân lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm có khoảng 19.600 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và phân bón thải ra môi trường. Lượng phân bón dùng trong nông nghiệp tăng 51,7% trong vòng 25 năm. Nhưng có tới 2/3 trong tổng số đó không được cây trồng hấp thụ. Những con số như vậy đã cho thấy sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay thì khó có thể phát triển nền nông nghiệp ổn định và bền vững.
Trước thực trạng đáng báo động của ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Chính phủ cần tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là đầu tư thủy lợi nội đồng để giải độc cho đồng ruộng; ưu tiên đầu tư đê bao ven biển để chống xâm nhập mặn; các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các loại phân bón tổng hợp mang tính chất thân thiện với môi trường để làm cho sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm sạch; đồng thời phải có giải pháp thu gom các rác thải để trả lại cho cánh đồng sự an toàn và phát triển bền vững.
- Triển khai xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước để người dân nông thôn được hưởng thụ sự đầu tư của Nhà nước về các mặt văn hóa, xã hội. Tại các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là đối với các xã đảo tại Kiên Giang triển khai chính sách như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa đại biểu?
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé: Chủ trương xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương đúng đắn, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn để người dân nông thôn được hưởng thụ sự đầu tư của Nhà nước về các mặt văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí đề ra trong việc xây dựng nông thôn mới thì một số tiêu chí đề ra như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường... không phù hợp với điều kiện địa lý vùng miền như khu vực ĐBSCL, nhất là đối với các xã đảo như Kiên Giang thì lại càng không phù hợp. Vì đất tại đây là đất đá nên việc xây dựng trường học và xây dựng nhà ở theo tiêu chí của Bộ Xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Qua đó tôi đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có quy định đặc thù riêng đối với các xã đảo trong việc xây dựng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu điều chỉnh bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới hoặc ban hành một bộ tiêu chí áp dụng cho từng vùng, miền cho phù hợp trong điều kiện thực hiện, tạo điều kiện cho người dân ở nông thôn được tiếp cận với các thiết chế văn hóa và xã hội như những người dân tại thành phố.
- Thưa đại biểu, cử tri tại địa phương đã gửi gắm những vấn đề gì tại kỳ họp QH Khóa XIII?
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé: Sau khi tiếp xúc, cử tri gửi gắm nhiều ý kiến, trong đó đề nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, cụ thể là vấn đề giao thông. Hiện nay, các tuyến đường giao thông tại địa phương rất xuống cấp và thiết chế giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Tôi xin dẫn chứng, QL63 đi ngang qua tỉnh Kiên Giang chiều ngang chỉ có 3,5m thôi, không đủ theo quy chuẩn của quốc lộ. Bên cạnh đó là vấn đề xuống cấp nên dẫn đến tai nạn giao thông rất nhiều. Rồi vấn đề giao thông nông thôn, đối với vùng ĐBSCL đặc biệt là tỉnh Kiên Giang đây là những vùng kênh rạch chằng chịt, đi lại rất khó khăn. Như vậy muốn phát triển KT-XH mà giao thông không phát triển thì các lĩnh vực như văn hóa- giáo dục cũng bị ảnh hưởng…
- Xin cám ơn đại biểu!