Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV

Cần quy định rõ thời hạn tạm đình chỉ điều tra

- Thứ Tư, 20/10/2021, 19:42 - Chia sẻ
Chiều 20.10, Quốc hội đã thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc sửa đổi khoản 1 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra “khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra”.

Phù hợp với thực tiễn

Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương)
Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) đưa ra thực tế, có một số vụ việc dù cơ quan điều tra làm hết khả năng, song do một số điều kiện khách quan nên không thể tiến hành đầy đủ việc điều tra, từ đó không thể kết luận điều tra, hết thời hạn điều tra cũng không kết thúc được. Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh là cần thiết, hơn nữa sau này vẫn có thể khôi phục điều tra trở lại. 

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) nêu rõ, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua cho thấy nhiều tình huống không thể lường tính được, nhất là về thiên tai và dịch bệnh. Trong quá trình điều tra hay trong các vụ án kéo dài vì điều kiện khách quan không thể thực hiện đầy đủ các biện pháp điều tra được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đúng thời hạn. Nếu không có quy định cho phép tạm đình chỉ điều tra, sau đó phục hồi điều tra trở lại, thì ai sẽ chịu trách nhiệm nếu quá thời hạn đặt ra? Với lý do này, ông Nguyễn Xuân Thắng tán thành với đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc bổ sung điều kiện tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, thời gian xảy ra dịch bệnh có thể rất dài, song cũng có thể rất ngắn (như dịch bệnh Sars năm 2003), nên phải quy định rõ về thời hạn tạm đình chỉ điều tra, điều kiện cho phép phục hồi điều tra. Đặc biệt là quy định nhằm tránh lạm dụng dịch bệnh, thiên tai để kéo dài thời gian điều tra quá thời hạn được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Quá thời hạn điều tra sau này có nhiều điều có thể biện luận, gây vướng mắc khi thực hiện các biện pháp điều tra chưa thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh)
Ảnh: Hồ Long

Đánh giá kỹ việc bổ sung thẩm quyền cho Công an xã

Qua thảo luận tại Tổ, các ĐBQH có quan điểm khác nhau về bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Các ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà), Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh)… tán thành với Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bởi, quy định tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự phân biệt trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khác với trách nhiệm của Công an xã do tại thời điểm xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Công an xã chưa được bố trí chính quy như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an. Tuy nhiên, trên cơ sở quy định mới của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã  nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, Đồn công an là phù hợp và cần thiết. “Việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Có cùng quan điểm trên nhưng để yên tâm với việc bổ sung thẩm quyền cho Công an xã, ông Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, Bộ Công an cần bổ sung báo cáo về tình hình bộ máy Công an xã hiện nay, trong đó làm rõ có bao nhiêu Công an xã được đào tạo nghiệp vụ điều tra, vì số lượng Công an xã chuyên trách hiện nay có rất ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Công an phường có hàng chục người nên mới có thể làm tròn việc tiến hành xác nhận, kiểm tra ban đầu sau khi nhận tin báo tội phạm hoặc đơn tố giác của người dân. Ông lo ngại, nếu không làm rõ những thông tin liên quan thì sau khi được chấp thuận tăng thẩm quyền với Công an xã, cơ quan chức năng có thể đề xuất bổ sung biên chế cho lực lượng này, gây tăng biên chế, phình bộ máy.

Một số ĐBQH cũng đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự trong lần sửa đổi này vì cho rằng việc bổ sung, giao thêm trách nhiệm cho Công an xã cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.

P.Thủy