Chính trị

Cần quy định rõ hậu quả pháp lý của việc bị hủy quyết định nhập hoặc trở lại quốc tịch

Bách Hợp - An Nhiên 17/05/2025 20:30

Chiều 17/5, thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu nhấn mạnh, dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tăng cường, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về quê hương, Tổ quốc, tham gia, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

1 (2)
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Cần bổ sung yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự

Góp ý vào dự thảo Luật này, ĐBQH Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu ) cho rằng việc sửa đổi Luật Quốc tịch nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và giải quyết các vấn đề thực tiễn về người có hai quốc tịch.

Góp ý tại khoản 2, Điều 1 về sửa đổi bổ sung một số khoản của Điều 11, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “Giấy chứng minh nhân dân”, vì theo khoản 2 Điều 46 của Luật Căn cước, đến ngày 31/12/2024 Giấy chứng minh nhân dân không còn giá trị sử dụng. Đồng thời, bổ sung “Thẻ căn cước công dân” để phù hợp với Luật Căn cước năm 2023.

2 (1)
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: An Nhiên

Đối với khoản 3 Điều 1 – Sửa đổi, bổ sung với khoản 2 của Điều 16, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và làm rõ thế nào là "không thỏa thuận được", có cần chứng cứ không thỏa thuận được giữa bố mẹ hay chỉ là lời khai.

“Thực tế thì việc xác định sự đồng thuận hay không đồng thuận giữa cha mẹ về quốc tịch của con rất phức tạp, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan hộ tịch và có thể phát sinh tranh chấp pháp lý sau này”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm điều kiện đó là: đã hoàn thành thủ tục đăng ký khai sinh, được gấp số định danh cá nhân và giấy khai sinh để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch.

3 (2)
ĐBQH Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Tại khoản 5 Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản 1 của Điều 20 và khoản 8 Điều 1 sửa đổi điểm d, khoản 1 của Điều 24, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, ngoài việc phù hợp với pháp luật của nước cấp giấy tờ như dự thảo quy định, thì cần bổ sung yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự để bảo đảm tính chính xác và xác thực thống nhất về mặt pháp lý trong quá trình xem xét hồ sơ nhập quốc tịch, hoặc trở lại quốc tịch.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, lý lịch tư pháp là yếu tố quan trọng trong việc xác minh nhân thân và tiền án, tiền sự của người xin nhập quốc tịch. Nếu không kiểm chứng qua hợp thức hóa lãnh sự sẽ làm giảm tính chính danh, tạo kẽ hở cho hồ sơ giả mạo. Thực tế, trong thời gian vừa qua, đã có trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam, nộp giấy xác nhận không có tiền án, tiền sự bị bắt tại nước ngoài nhưng không hợp pháp hóa Lãnh sự, sau đó thì mới phát hiện là làm giả giấy tờ và khi cơ quan tiếp nhận thì không đủ thẩm quyền để kiểm chứng.

Tại khoản 13, 14 Điều 1 sửa đổi, bổ sung tại Điều 33, 34, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hậu quả pháp lý của việc bị hủy quyết định nhập hoặc trở lại quốc tịch, nhất là các quyền dân sự đã phát sinh và quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người thứ 3 vô can trong các giao dịch dân sự liên quan. Nếu không quy định rõ, rất có thể xảy ra xung đột pháp lý.

Tại điểm 15, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 36, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nghĩa vụ thông báo điều chỉnh giấy tờ tùy thân và các quyền lợi phát sinh cho trẻ em để bảo đảm quyền của nhóm yếu thế này. Bảo vệ quyền quốc tịch và các quyền lợi kèm theo của trẻ em cần được quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính nhân đạo và phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Tại điểm 17, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 7 của Điều 39, đại biểu cho rằng, cần quy định rõ phạm vi áp dụng và điều kiện bảo mật, xác thực hiện tử và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong triển khai để bảo đảm an toàn thông tin và hiệu quả thực thi

Quy định rõ các hành vi nghiêm cấm

Đồng tình cao với các góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Yến, ĐBQH Đỗ Văn Yên ( Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung và làm rõ các khái niệm như “mất quốc tịch”, “tước quốc tịch”, “quốc tịch gốc”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” vào Điều 3 để làm rõ phạm vi áp dụng luật.

unnamed.jpg
ĐBQH Đỗ Văn Yên ( Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn tuyển dụng người chỉ có một quốc tịch Việt Nam vào các cơ quan, tổ chức đặc biệt như lực lượng vũ trang, tránh cách hiểu mâu thuẫn và khó áp dụng trong thực tế.

Đồng thời, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như làm giả giấy tờ quốc tịch, lợi dụng quốc tịch Việt Nam để chống phá đất nước nhằm đảm bảo tính răn đe, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các vi phạm. Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước và của công dân.

Góp ý vào dự Luật bổ sung khoản 5 vào Điều 5 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn tuyển dụng người chỉ có một quốc tịch Việt Nam vào các cơ quan, tổ chức đặc biệt như lực lượng vũ trang và phải có biện pháp kiểm soát. Vì đây là ngành nghề đặc biệt liên quan đến an ninh của quốc gia, đòi hỏi yêu cầu khắt khe và bảo đảm nguyên tắc đầu tiên là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhà nước và Nhân dân.

7 (1)
ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Góp ý vào dự án Luật này, ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) đề nghị cần làm rõ thêm vấn đề nới lỏng những điều kiện để nhập và trở lại quốc tịch. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ những vấn đề liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Trong đó, đánh giá kỹ:

Thứ nhất, là về vấn đề thực hiện đúng chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với một số loại đối tượng, như: người Hoa đi khỏi Việt Nam năm 1978-1979, Việt kiều nước Việt Nam, Campuchia.

Thứ hai ,không để các đối tượng lợi dụng, tranh thủ trở lại quốc tịch Việt Nam với mục đích đòi lại tài sản hoặc là quyền lợi ích khác, hoặc lợi dụng vấn đề hai quốc tịch để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân Việt Nam cũng như ở nước sở tại...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần quy định rõ hậu quả pháp lý của việc bị hủy quyết định nhập hoặc trở lại quốc tịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO