Cần quy định đủ thời gian để HĐND tham gia quy trình xây dựng và thẩm tra ngân sách

Hoàng Trọng Hiền
Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lâm Đồng
11/10/2013 08:27

Nâng cao chất lượng giám sát ngân sách nhà nước (NSNN), một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là cần quy định dành đủ thời gian để Thường trực, ban HĐND tham gia ý kiến trong quy trình xây dựng và thẩm tra dự toán NSNN trước khi trình Chính phủ và kỳ họp HĐND cuối năm.

Giám sát ngân sách nhà nước là việc theo dõi, kiểm tra thông qua hệ thống thông tin, báo cáo, nhằm xác định tình trạng NSNN, từ đó phát hiện sớm các vấn đề và có giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm tuân thủ triệt để các quy định của Luật NSNN và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN; xem xét, đánh giá hiệu quả, tác động của NSNN đối với sự phát triển KT - XH của địa phương. Kết quả giám sát NSNN chỉ ra mức độ chấp hành, tuân thủ pháp luật, quy chế, chính sách quản lý tài chính của nhà nước. Trên cơ sở đó kiến nghị, yêu cầu khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý và sử dụng NSNN của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN.

Giám sát NSNN là hoạt động mang tính chuyên ngành, được tổ chức thực hiện theo quy định của Luật NSNN, do đó cần có hình thức giám sát phù hợp, như: nghe và đánh giá báo cáo dự toán, phương án phân bổ, đánh giá thực hiện quyết toán ngân sách; chất vấn và yêu cầu giải trình tại kỳ họp HĐND; tổ chức đoàn giám sát chung, giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất; xem xét, xử lý các kiến nghị của cử tri. Tập trung vào những nội dung: dự toán NSNN, ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và số phân bổ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; giám sát việc giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các cấp, ngành; giám sát quá trình chấp hành NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN. Đặc biệt là giám sát chuyên đề đối với những vấn đề thời sự, cấp bách, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, được dư luận xã hội quan tâm.

Hoạt động giám sát NSNN phải luôn hướng tới các mục tiêu tổng quát và tính bền vững của NSNN, giữ kỷ luật tài khóa tổng thể để qua đó ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết kịp thời những bất ổn có thể xảy ra; hướng tới việc thiết lập cơ chế huy động và phân phối nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm sự tuân thủ các nguyên tắc lập ngân sách và quản lý chi tiêu công hiệu quả, đặt trong tổng thể hoạt động giám sát của HĐND.

Trong giám sát thu NSNN, cần chú trọng đánh giá mức thu, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước nhưng cũng phải nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển nguồn thu bền vững, lâu dài. Giám sát chi NSNN, cần đánh giá chính sách chi NSNN, mức trần ngân sách, cơ cấu chi, tiến độ và hiệu quả chi NSNN. Khi thẩm tra dự toán ngân sách cần chú ý chính sách thu, nguồn thu (các giải pháp chống thất thu và bồi dưỡng nguồn thu), về chi cần bảo đảm cơ cấu, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi (tính hiệu quả, hợp lý, khắc phục tình trạng lãng phí, tiêu cực...).

Từ khi có Luật NSNN năm 2003 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện, sự phối hợp giữa Thường trực, ban HĐND tỉnh với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh ngày càng chặt chẽ. Vai trò và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên, công tác giám sát NSNN đối với các hoạt động: dự toán thu - chi ngân sách, quyết định phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán NSNN trên địa bàn ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Tuy vậy, vai trò giám sát của HĐND tỉnh trong công tác xây dựng và quyết định dự toán thu ngân sách của địa phương cũng còn những hạn chế nhất định.

Cụ thể, Điều 37, Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6.6.2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN quy định: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư lập dự toán thu NSNN trên địa bàn, dự toán thu - chi ngân sách tỉnh... báo cáo UBND tỉnh để trình Thường trực HĐND xem xét trước ngày 20.7 năm trước. Thực tế quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc trong quy trình xây dựng dự toán thu ngân sách của các cấp chính quyền. Cũng theo Điều 40 (quyết định, phân bổ, giao dự toán NSNN) của Nghị định 60, HĐND các cấp chỉ thực sự tham gia thảo luận, quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình sau khi đã có quyết định giao nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ (đối với HĐND tỉnh) và nghị quyết của HĐND tỉnh (đối với cấp huyện, xã). Đối với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu hàng năm từ ngân sách Trung ương, nếu được ghi trong dự toán giao thì HĐND chỉ thông qua về thủ tục; nếu giao bổ sung giữa hai kỳ họp thì UBND báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đều có mức hỗ trợ và địa chỉ cụ thể, vai trò của HĐND không được thể hiện trong việc tham gia thảo luận, phân bổ nên quyết định của HĐND đối với nguồn vốn này chỉ là hình thức.

Công tác dự báo thu của địa phương cũng còn nhiều hạn chế, thiếu số liệu và thông tin, chưa dự báo được hết những diễn biến phức tạp, các nhân tố khách quan có thể tác động đến nguồn thu, thiếu đánh giá và lượng hóa ảnh hưởng của các nhân tố đến khoản thu và số thu. Vì vậy, rất khó cho HĐND trong thảo luận, quyết định dự toán thu. Mặc dù đã thực hiện phân cấp và cân đối thu - chi trong thời kỳ ổn định ngân sách, nhưng hệ thống ngân sách còn lồng ghép giữa các cấp ngân sách đã hạn chế tính chủ động của các địa phương; tỷ lệ phân chia các khoản thu cho cơ sở còn thấp.

Thời gian giám sát thông qua công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình do UBND tỉnh trình trước kỳ họp quá ngắn. Thực tế, ban HĐND chỉ có 5 ngày để thẩm tra, không đủ thời gian để xem xét, thẩm tra và cho ý kiến, nhất là đối với lĩnh vực ngân sách. Đây là lĩnh vực chuyên sâu, phức tạp, đòi hỏi đại biểu HĐND phải có kiến thức, hiểu biết và bản lĩnh. Trong khi đó, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, thời gian họp và thảo luận về lĩnh vực ngân sách còn ít; chưa có những chuyên viên giỏi chuyên trách giúp việc cho HĐND về lĩnh vực ngân sách.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh tăng cường số lượng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho các đại biểu HĐND và đội ngũ chuyên viên tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, một nội dung không kém phần quan trọng là cần quy định dành đủ thời gian để Thường trực, ban HĐND tham gia ý kiến trong quy trình xây dựng và thẩm tra dự toán NSNN trước khi trình Chính phủ và kỳ họp HĐND cuối năm của năm lập dự toán.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần quy định đủ thời gian để HĐND tham gia quy trình xây dựng và thẩm tra ngân sách
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO