Cần quy định cụ thể việc quản lý Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thảo luận tại tổ, chiều 10/5, các ĐBQH Tổ 18 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang) tán thành với việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, quy định cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ.

Tại thảo luận tổ, các ĐBQH cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Bởi, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quảnhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), điểm mới trong dự thảo luật lần này là quy định thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng quỹ này để hỗ trợ một số hoạt động bởi trên thực tế nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn. Theo đó, cần nguồn tài chính nhất định khuyến khích việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn, trong đó nên đề ra một số nguyên tắc quản lý và sử dụng quỹ. Đơn cử, nên quy định quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phân tích thêm, dự thảo luật cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng liên quan tới việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có 2 văn bản rất quan trọng.

Thứ nhất, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế và thực hiện chính sách về tiêu chuẩn tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu đầu tư và cung cấp năng lượng”;
Thứ hai, Nghị quyết 240/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2024 về nội dung “việc sử dụng các chính sách cần nghiên cứu kỹ trên tinh thần huy động nguồn lực của nhân dân, của xã hội và nguồn lực từ bên ngoài, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách trong đó bao gồm việc hình thành quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Đại biểu Tú Anh đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ thuyết minh tính hợp hiến, hợp pháp và thể chế hóa tối đa các quy định của Đảng liên quan đến việc thành lập quỹ này.
Góp ý thêm về dự thảo luật này, đại biểu Tú Anh nêu: Khoản 5, Điều 1 dự thảo luật sửa đổi điểm đ, Khoản 1 Điều 13 của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định như sau: “Đơn vị truyền tải, phân phối điện phải xây dựng chương trình, kế hoạch, định mức và lộ trình cụ thể nhằm giảm tổn thất điện năng trong hệ thống truyền tải và phân phối, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chế độ non tải, quá tải của hệ thống lưới điện”. Tuy nhiên, đối chiếu với Điều 55 và Điều 72 của Luật Điện lực năm 2024 cũng đã quy định về việc thực hiện các biện pháp trong truyền tải điện, phân phối điện, như vậy là có sự trùng lắp. Do đó, ban soạn thảo cần xem xét, đối chiếu lại để tránh sự trùng lắp, bảo đảm đồng bộ giữa các luật.

Tại thảo luận tổ, đa số đại biểu tán thành với việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cho rằng, quỹ này sẽ thúc đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; không phải thành lập tổ chức mới. Đồng thời, thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, trong đó có nội dung đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050...