Nảy sinh thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Trao đổi với báo chí chiều ngày 10.11 về vấn đề gây xôn xao dư luận là các kỳ thi IELTS tại Việt Nam bất ngờ tạm hoãn từ ngày 10.11, thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong thời gian qua, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...
“Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam” – thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Lý giải về việc một số trung tâm phải dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ? Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD và ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Mặc dù Bộ GD và ĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định.
Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD và ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
“Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị (trong đó có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục)” – ông Độ nhấn mạnh.
Ông Độ cho biết thêm, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD và ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày).
Sau khi phê duyệt, Bộ GD và ĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Kiểm soát chặt để đảm bảo quyền lợi cho người học
Ngày 11.11, trả lời phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trường ĐH Hà Nội không liên kết với Hội đồng Anh tổ chức thi IELTS. Hiện Trường đang xây dựng các Đề án về tổ chức thi năng lực ngoại ngữ với tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn.... theo đúng quy định tại Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT.
Ông Dũng cho biết thêm, chứng chỉ IELTS là một trong các chứng chỉ quốc tế giúp xác định năng lực ngoại ngữ tiếng Anh của thí sinh được nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới sử dụng trong tuyển sinh.
Những năm qua nhiều cơ sở giáo dục đại học của Vệt Nam cũng sử dụng kết quả thi IELTS để xét tuyển đại học và xét chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Có thể nói việc kiểm tra, rà soát chất lượng các kỳ thi cấp chứng chỉ IELTS sẽ giúp ích cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Bộ GD và ĐT yêu cầu các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ phải xây dựng Đề án theo quy định tại Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT là một biện pháp kiểm soát vấn đề chất lượng các kỳ thi cấp chứng chỉ.
Việc tạm dừng các kỳ thi có thể ảnh hưởng đến các thí sinh có kế hoạch thi và sử dụng kết quả thi trong thời gian này để đi du học, đi xuất khẩu lao động hoặc xuất cảnh.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, vấn đề sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới vì hiện nhiều cơ sở giáo dục đang xây dựng Đề án theo quy định và Bộ GD và ĐT sẽ xử lý và trả kết quả trong vòng 3 tuần.
“Việc Bộ GD và ĐT đề nghị rà soát, kiểm tra các đơn vị liên kết tổ chức thi & cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định của Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT là việc làm cần thiết để đảm bảo chất lượng của việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, đảm bảo quyền lợi của thí sinh và các bên liên quan, giúp tăng cường tính minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục” – ông Dũng nhấn mạnh.
Vấn đề vi phạm của kỳ thi IELTS như báo chí đề cập, ông Dũng chia sẻ quan điểm, kỳ thi nào cũng có vì luôn có một bộ phận tìm cách đi đường tắt để đến đích thay vì tham gia giao thông như mọi người khác. Chính vì vậy, cơ quan chủ quản cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo mọi kỳ thi diễn ra an toàn, lành mạnh, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi thí sinh.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Hà Nội trong nhiều năm qua đã thực hiện hình thức xét tuyển kết hợp sử dụng các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế, bao gồm chứng chỉ IELTS, trong tuyển sinh đại học bên cạnh các tiêu chí như kết quả học tập 3 năm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT và thực tế cho thấy những chứng chỉ này là chỉ số đáng tin cậy, phản ánh một cách tương đối toàn diện năng lực sử dụng ngoại ngữ của thí sinh.
Trường cũng sử dụng các chứng chỉ này trong đánh giá chuẩn đầu ra về ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp đối với sinh viên các ngành đào tạo.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Nhà trường luôn có nhiều phương án để tuyển sinh nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa nhất cho thí sinh trong mọi tình huống. Phương án xét tuyển chứng chỉ IELTS chỉ là một trong những phương án tuyển sinh của nhà trường nên không ảnh hưởng nhiều”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay, việc tạm dừng các kỳ thi chứng chỉ IELTS không ảnh hưởng đến tuyển sinh của nhà trường vì số lượng thí sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ này rất ít chỉ 30/4800 chỉ tiêu”.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục và tuyển sinh, Bộ GD và ĐT và các sở GD và ĐT có vai trò rất lớn trong việc thường xuyên hậu kiểm các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi của nước ngoài, để bảo vệ "người tiêu dùng giáo dục" của Việt Nam.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 86 ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11 ban hành ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.
Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đặc biệt, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn theo đúng các quy định hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại địa bàn để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.