Cần phân loại nghị quyết để thực hiện đúng trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành
Trong hoạt động thường xuyên của HĐND cấp tỉnh, công tác xây dựng và ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp mỗi năm là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng, được Thường trực HĐND, UBND, các ban và các đại biểu HĐND quan tâm và tập trung nhiều công sức, thời gian để thực hiện.
Hằng năm, trước mỗi kỳ họp, căn cứ chương trình ban hành nghị quyết do HĐND đã thông qua, căn cứ các sáng kiến, đề xuất việc ban hành thêm nghị quyết HĐND của các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ở địa phương, Thường trực HĐND dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thường lệ, chuyên đề hoặc bất thường trình hội nghị liên tịch giữa đại diện Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp thảo luận, thống nhất và phân công việc chuẩn bị.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, thông thường tại hội nghị liên tịch, các đại biểu tập trung bàn bạc, thống nhất về trọng tâm của kỳ họp, xác định các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết, xác định số nghị quyết sẽ thông qua, nghị quyết quan trọng có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, điều chỉnh những vấn đề mới, nghị quyết có nội dung giản đơn hơn v.v. làm cơ sở để phân công, áp dụng định mức chi ngân sách để các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp soạn thảo văn bản, ban HĐND thẩm tra thực hiện, dự kiến thời gian họp ... Đa số các hội nghị liên tịch chưa chú trọng đúng mức việc phân loại nghị quyết chứa quy phạm pháp luật hay không chứa quy phạm pháp luật, dẫn đến việc thực hiện trình tự, thủ tục chuẩn bị và ban hành nghị quyết chưa sát với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì giữa hai loại nghị quyết này, có sự khác nhau về trình tự thủ tục soạn thảo, thông qua và ban hành. Theo tôi, Thường trực HĐND đồng thời với việc xác định số nghị quyết sẽ thông qua tại mỗi kỳ họp HĐND, cần phân loại cụ thể trong đó có những nghị quyết nào là văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết nào không phải văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, định hướng chỉ đạo việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết và các văn bản liên quan đúng quy định về trình tự thủ tục. Không phân loại nghị quyết, việc chỉ đạo soạn thảo của Thường trực HĐND sẽ thiếu chiều sâu, hiệu quả hạn chế.
Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật của HĐND theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, phải có đầy đủ 4 yếu tố: a) Do HĐND ban hành theo hình thức nghị quyết; b) Được ban hành theo thủ tục, trình tự quy định tại Luật; c) Có chứa quy tắc xử sự chung (quy phạm pháp luật), được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi địa phương; được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật.
Các văn bản do HĐND ban hành, nhưng không có đầy đủ các yếu tố của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định nêu trên thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Theo Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 6.9.2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thì các nghị quyết sau đây của HĐND không phải văn bản quy phạm pháp luật như: nghị quyết về miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu HĐND và các chức vụ khác; nghị quyết về phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu HĐND và bầu các chức vụ khác; nghị quyết về việc giải tán HĐND; nghị quyết về việc phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nghị quyết về thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND; nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND; nghị quyết hủy bỏ, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; nghị quyết về tổng biên chế ở địa phương. Ở đây, Chính phủ dùng từ như để diễn giải, chứ không dùng từ gồm để xác định. Nên cần phải hiểu rằng, ngoài các nghị quyết nêu trên còn có một số nghị quyết nữa do HĐND ban hành nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hướng tới 20 năm, nghị quyết của HĐND tỉnh về việc quy hoạch sử dụng đất 5 năm hướng tới 10 năm v.v. Các nghị quyết này chỉ mang tính chất kiến nghị, chỉ khi được các bộ, ngành trung ương phẩm định, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt thì nội dung quy hoạch mới có hiệu lực pháp luật.
Trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh bắt buột phải tuân thủ các quy định từ Điều 21 đến Điều 29 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Khi phân loại rõ ràng cụ thể nghị quyết có chứa quy phạm hay không chứa quy phạm pháp luật, Thường trực HĐND, UBND sẽ dễ dàng chỉ đạo nghị quyết A câçn phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định, nghị quyết B được đơn giản một số thủ tục, chẳng hạn không cần thiết phải có sự thẩm tra của ban HĐND. Từ đó, Thường trực, các ban HĐND có điều kiện tập trung nhiều thời gian và trí tuệ cho các nghị quyết quan trọng, chứa quy phạm pháp luật hơn. Có như thế, chất lượng, hiệu lực các nghị quyết sẽ nâng lên, kỳ họp của HĐND chắc chắn sẽ thành công.
Đoàn Nhuận