Cần phải giảm bớt mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ

PV thực hiện 27/10/2009 00:00

ĐBNDO- Có nên tiếp tục thực hiện gói kích thích kinh tế lần 2 hay không? Nên tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với nguồn vốn nào? Làm thế nào để tránh nguy cơ tái lạm phát? Phó chủ nhiệm (PCN) Uỷ ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn đã đưa ra những đề nghị xác đáng khi trả lời phỏng vấn PV ĐBNDO.

Cần phải giảm bớt mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ ảnh 1- Cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, Việt Nam cũng như các nước khác đã "bơm" một lượng tiền lớn ra để xử lý khủng hoảng. Ông có cho rằng, việc bơm tiền ra như vậy đã đạt mục tiêu đề ra?

- PCN Vũ Viết Ngoạn: Do tác động suy thoái  toàn cầu nên kinh tế Việt Nam cũng bị suy giảm. Nền kinh tế suy giảm xét về mặt kinh tế là do yếu tố giảm đầu tư, FDI giảm đi rất lớn, trong khi FDI chiếm lượng khá lớn trong tổng đầu tư xã hội. Thứ nữa là các doanh nghiệp do tác động suy giảm kinh tế thế giới cũng gặp khó khăn trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dẫn đến gặp khó khăn về tài chính. Chính vì vậy, để thúc đẩy kinh tế, ngăn chặn suy giảm thì thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng là hợp lý. Lãi suất thấp là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Chính vì áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, mức tăng trưởng tín dụng nước ta năm nay có thể vượt trên 30%. Chính sách tiền tệ nới lỏng để doanh nghiệp vay được nhiều hơn, cùng với việc nhà nước tăng chi đầu tư công- 2 yếu tố đó làm cho việc đầu tư toàn xã hội trong năm 2009 không bị sụt giảm quá lớn. Nói cách khác, nó đã bù vào phần giảm đầu tư FDI của doanh nghiệp nước ngoài. Tôi cho rằng, đó là thành công. Cùng với đó, lãi suất thấp giúp cho các doanh nhiệp cải thiện được phần nào tình hình tài chính trong điều kiện khó khăn, nhất là hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.

 - Nếu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, tức là việc bơm nhiều tiền sẽ nảy sinh hệ quả là nguy cơ tái lạm phát. Giả định là nền kinh tế nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính thì chính sách tiền tệ cần được điều chỉnh như thế nào, thưa Ông?

 - PCN Vũ Viết Ngoạn: Đúng là việc bơm tiền ra nhiều thì về mặt nguyên lý, nguy cơ sẽ gia tăng sức ép lạm phát. Chính vì vậy mà gói kích thích kinh tế nói chung chính là giải pháp hỗ trợ của nhà nước thông qua chính sách tài khoá cũng như chính sách tiền tệ cần phải bảo đảm nguyên tắc là kịp thời và đúng đối tượng.

Kịp thời là yếu tố hết sức quan trọng. Như tôi đã nói, trong năm 2009 điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách nới lỏng của chúng ta là hợp lý, và từ đó đến nay, nền kinh tế phục hồi dần. Tôi cho rằng, tới đây quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục được khẳng định. Do vậy, chính sách tiền tệ cũng phải theo kịp bối cảnh kinh tế mới, có nghĩa là phải giảm bớt mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ. Trong báo cáo của Uỷ ban Kinh tế trước QH, chúng tôi cũng đề nghị chính sách tiền tệ trong năm 2010 là theo hướng tiếp tục kích thích kinh tế, tiếp tục nới rộng, nhưng ở mức độ thấp hơn năm 2009.

- Có một số ý kiến cho rằng, cần tiếp tục gói kích thích kinh tế lần thứ 2, một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên tiếp tục thực hiện.  Ông có cho rằng, cần tiếp tục thực hiện gói kích thích kinh tế lần 2 hay không?

- PCN Vũ Viết Ngoạn: Trước tiên, chúng tôi muốn thống nhất về mặt khái niệm. Gói kích cầu thứ 2, một số người muốn ám chỉ tới gói hỗ trợ lãi suất thôi, nhưng nói rộng ra, gói kích cầu gồm toàn bộ cả gói kích thích kinh tế. Chúng tôi đề nghị chương trình tổng thể là tiếp tục chính sách kích thích kinh tế, như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng ở góc độ hợp lý, giảm bớt nới lỏng hơn so 2009. Riêng về cấu phần hỗ trợ lãi suất, Uỷ ban Kinh tế đề nghị nên dừng hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay lưu động theo đúng thời hạn 31.12.2009 như Chính phủ đã cam kết trước đây đối với các doanh nghiệp. Còn hộ trợ lãi suất đối với cho vay trung hoặc dài hạn thì nên tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Hỗ trợ theo Quyết định 497 cho nông dân thì cũng có thể tiếp tục. Tuy nhiên, cần xem lại tất cả các thủ tục để có quy định chi tiết cho phù hợp với thực tế.

- Ông có tin rằng, Chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát, không để tái lạm phát ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội?

- PCN Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng, đặc điểm của lạm phát năm 2007 có điểm khác so với hiện nay. Lần này, hỗ trợ lãi suất, tiền bơm ra là để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đặc điểm hiện nay là thanh khoản tại các ngân hàng không quá dư như hồi 2007. Cuối năm 2007, tiền bơm ra dẫn đến tình trạng tiền dôi dư nhiều các ngân hàng nên phải hạ lãi suất và cho vay ồ ạt làm cho chất lượng tín dụng không cao. Tuy nhiên, nói cho cùng, việc bơm tiền ra đưa vào dự án nhiều như hiện nay, mặc dù thanh khoản không quá dư thừa nhưng cũng tiềm ẩn lạm phát. Nên theo chúng tôi, mức độ nới lỏng tiền tệ cần phải giảm bớt, sẽ dần dần tiến tới mức bảo đảm tỷ lệ hợp lý.

- Xin cám ơn PCN!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần phải giảm bớt mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO