Chính sách về công nghệ tài chính trên thế giới

Cần những quy định quy củ và cập nhật

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 06:34 - Chia sẻ
​​​​​​​Vài năm qua thế giới đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong công nghệ tài chính (fintech), bao gồm sự đổi mới trong thanh toán di động, tiền tệ kỹ thuật số, công nghệ blockchain và sổ cái phân tán, cho vay ngang hàng và cho vay trên thị trường… Fintech góp phần phá vỡ nhiều rào cản của thị trường tài chính, tuy nhiên song hành với nó cần sự củng cố và cập nhật của hệ thống pháp luật cùng các quy định liên quan để bảo đảm lĩnh vực mới này phát triển ổn định và quy củ.

Phát triển đột phá

Hầu hết các đổi mới fintech phát sinh bên ngoài hệ thống tài chính và ngân hàng truyền thống, phần lớn được thúc đẩy nhờ các tổ chức phi ngân hàng, bao gồm các công ty khởi nghiệp fintech được đầu tư mạo hiểm và các công ty mới nổi, cũng như các nhà cung cấp phi truyền thống (ví dụ: Oracle và Apple). Các tổ chức phi ngân hàng này có thể thử nghiệm trong một môi trường không bị kiểm soát (hoặc được quản lý tương đối nhẹ) và thường tập trung hoạt động trong phạm vi hẹp trong việc cung cấp một số dịch vụ tài chính và ngân hàng mới.

Sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thúc đẩy bởi các tổ chức phi ngân hàng đang từng bước phá bỏ những bức tường lâu nay bao quanh hệ thống tài chính và ngân hàng truyền thống, dẫn đến sự thay đổi căn bản bằng cách thách thức chuỗi giá trị truyền thống, mô hình kinh doanh và định vị thị trường. Đáng chú ý, đổi mới fintech đang thay đổi trải nghiệm và kỳ vọng của khách hàng bằng cách thúc đẩy cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm và tương tác hơn đối với các dịch vụ tài chính và ngân hàng. Ngoài ra, những phát triển gần đây trong lĩnh vực fintech mang đến cơ hội mới, tạo giá trị bằng cách cho phép hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng và thiết kế các sản phẩm, dịch vụ được cá nhân hóa mới. Các công cụ phân tích thu thập và tích hợp dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc hiện có sẵn để hỗ trợ tối ưu hóa quy trình, quản lý rủi ro và ra quyết định chiến lược. Hơn nữa (có lẽ là quan trọng nhất), bằng cách tận dụng phạm vi tiếp cận rộng rãi của mạng dữ liệu và điện thoại thông minh, sự đổi mới fintech đang dần mở rộng sự tiếp cận đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho một bộ phận lớn hơn của dân số toàn cầu.

Rủi ro và phức tạp

Sự gia tăng của đổi mới fintech thu hút mọi chú ý của các nhà hoạch định chính sách liên quan đến tài chính. Bởi bên cạnh nhiều cơ hội đã được đề cập, sự phát triển trong fintech cũng có thể tạo ra và làm tăng thêm một số rủi ro và phức tạp về quyền riêng tư, xử lý thông tin cá nhân và dữ liệu, bảo vệ khách hàng, tính minh bạch và an ninh mạng. Vì những lý do này, việc giám sát theo quy định đối với fintech đang ngày càng được thắt chặt. Các cơ quan quản lý tài chính hiện đang cố gắng khuyến khích sự phát triển trong lĩnh vực fintech bằng cách cung cấp một môi trường đổi mới phát triển, đồng thời bảo vệ thị trường, người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý tài chính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Vương quốc Anh, Mexico, Trung Quốc… gần đây đã ban hành hoặc đang trong quá trình ban hành một số chính sách và quy tắc nhằm mục tiêu cụ thể đến sự đổi mới fintech. Có thể nói, dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực được quản lý chặt chẽ nhất trên thế giới. Các quy định pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng và là nhân tố then chốt, ảnh hưởng đáng kể đến phạm vi và tốc độ phát triển của fintech trong tương lai, góp phần giảm thiểu tối đa những rủi ro của hệ thống tài chính.

Nguồn: ITN

Các chính sách và quy định liên quan 

Các biện pháp chính sách liên quan đến Fintech có thể được chia thành ba nhóm:

Thứ nhất, người tổ chức trực tiếp hoạt động Fintech: Liên quan đến việc điều chỉnh một số hoạt động nhất định như ngân hàng kỹ thuật số, tư vấn tài chính tự động (Robo-advice) và các dịch vụ thanh toán. Chẳng hạn, một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức… coi dịch vụ do công ty fintech cung ứng tương tự như dịch vụ ngân hàng truyền thống, do đó các tổ chức này cần phải được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng khi cung ứng dịch vụ. Quan điểm này giúp các quốc gia trên bảo vệ được lợi ích của khách hàng, cũng như sớm đưa các công ty fintech vào khuôn khổ quản lý. Trong khi đó, một số quốc gia lại chọn quan điểm cởi mở, chấp nhận những sáng tạo đổi mới của fintech. Theo đó, các công ty fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng sẽ không bị ép buộc vào khuôn khổ hoạt động giống như các ngân hàng truyền thống, vì theo họ, sẽ cản trở khả năng sáng tạo của các công ty fintech, qua đó làm giảm động lực phát triển xã hội.

Thứ hai, những người tập trung vào việc sử dụng các công nghệ mới để cung cấp các dịch vụ tài chính: Các quy định liên quan đến các quy tắc hoặc hướng dẫn mới cho những người tham gia thị trường sử dụng các công nghệ như sinh trắc học hoặc trí tuệ nhân tạo. Và cuối cùng là những người đặc biệt thúc đẩy các dịch vụ tài chính kỹ thuật số: Các thỏa thuận cho phép các sáng kiến chính sách như danh tính kỹ thuật số, chia sẻ dữ liệu và trung tâm đổi mới.

Linh Anh