Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghệ An

Cần nhưng phải thiết thực, hiệu quả

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 06:55 - Chia sẻ
Sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2019 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã có Nghị định số 55/2019/CP thay thế Nghị định 66/2008/CP ban hành một số chính sách hỗ trợ; đồng thời giao cho các địa phương triển khai hỗ trợ riêng. Hiện, Nghệ An đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ít có cơ hội tiếp cận

Do cơ cấu bộ máy đơn giản, quy mô vốn nhỏ và sử dụng lao động ít nên loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa thường yếu thế, dễ bị tổn thương và thua thiệt trong sản xuất kinh doanh, hội nhập nên theo thông lệ quốc tế cũng như xu thế là rất cần sự hỗ trợ riêng. Thế nhưng, trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành thì việc hỗ trợ pháp lý được thực hiện chung với các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và không phân biệt quy mô, tầm vóc. Điều này dẫn đến những bất cập khi doanh nghiệp lớn đều được hỗ trợ như doanh nghiệp nhỏ.

Tại Nghệ An, do chưa cân đối được ngân sách nên từ 2008 đến nay, mỗi năm tỉnh chỉ dành 72 triệu đồng cấp qua Sở Tư pháp để bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tọa đàm, hội thảo, tư vấn pháp lý chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Điều này dẫn đến thực tế chỉ số ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận với các kênh hỗ trợ pháp lý và khi gặp khó khăn, vướng mắc hay tranh chấp trong kinh doanh không biết hỏi cơ quan nào và nguồn nào trả lời, giải đáp nào là chính xác, đáng tin cậy và có cơ sở...

Đã vậy, kinh tế thị trường và hội nhập, các tranh chấp pháp lý liên quan đến giao dịch hợp đồng rất dễ phát sinh, trong khi doanh nghiệp quy mô lớn có bộ phận pháp chế riêng để giải quyết thì doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có nên khi xảy ra tranh chấp nên rất lúng túng. Tại các diễn đàn gặp mặt giữa lãnh đạo các huyện, thành thị với doanh nghiệp hàng năm, có doanh nghiệp phàn nàn về việc liên tục bị gặp khó khi muốn tiếp cận với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết về xây dựng các phân khu chức năng trong một bản quy hoạch tổng thể của huyện, thị; nếu biết thì phải mất chi phí cũng qua kênh không chính thức nên không có gì bảo đảm...

Hiện, gần 98% các doanh nghiệp Nghệ An đều nhỏ và vừa nên nhu cầu được hỗ trợ phát triển nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng ngày càng lớn. Để phát triển bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, từ năm 2015, Nghệ An đã ban hành Đề án đào tạo hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân, theo đó mỗi năm dành 15 tỷ đồng để mở hàng chục lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp về thuế, chế độ kế toán, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, lao động… Sau khi có Nghị định 55/2018, vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh mới được đặt ra.  

Lãnh đạo Chi cục thuế TP Vinh đối thoại giải đáp với doanh nghiệp về ghi Hóa đơn điện tử

Ảnh: Nguyễn Hải 

Hình thức nào hiệu quả?

Điều 9, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách Trung ương hỗ trợ pháp lý 100% nhưng không quá 3 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và 30% nhưng không quá 5 triệu/năm đối với doanh nghiệp nhỏ, 10% nhưng không quá 10 triệu/năm đối với doanh nghiệp loại vừa.

Theo dự kiến, Nghị quyết về một số chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được trình HĐND tỉnh vào cuối năm 2020. Hiện, Dự thảo đã qua 3 vòng lấy ý kiến đóng góp và đang trình UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 10. Tuy nhiên, do mức kinh phí khá hạn hẹp nên quá trình soạn thảo, tỉnh đang phải tính toán hình thức và biện pháp hỗ trợ cho thiết thực, phù hợp. Theo Dự thảo, mỗi năm Nghệ An sẽ dành khoản ngân sách khoảng 2 tỷ đồng để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với 4 chính sách thành phần như: Hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật; hỗ trợ kinh phí, tài trợ phát sóng chương trình hỏi - đáp trên truyền hình; tọa đàm trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh hay tranh chấp pháp lý…

Quá trình lấy ý kiến cho thấy, nhiều sở ngành đều nghiêng về hình thức hỗ trợ pháp lý bằng hình thức giải đáp, trả lời các vướng mắc, khó khăn cụ thể, nổi cộm của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh là thiết thực, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho rằng: Trên thực tế, nếu giải đáp, trả lời doanh nghiệp căn cứ vào quy định đơn thuần thì dễ và nhiều cơ quan như Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh đã làm; việc một sở, ngành chức năng trả lời, giải quyết một vấn đề, vụ việc cụ thể bằng văn bản cho doanh nghiệp là không đơn giản, phải qua nhiều vòng kiểm tra, thẩm định. Có những việc doanh nghiệp hỏi, kiến nghị và cơ quan chức phải lập đoàn kiểm tra, xem xét hàng năm trời mới đưa ra câu trả lời và không phải câu hỏi nào cũng làm doanh nghiệp thỏa mãn, hài lòng.

Ở góc độ đại diện cho doanh nghiệp, Đại diện Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho rằng: Trả lời doanh nghiệp là nhiệm vụ của các sở ngành và công chức, việc hỗ trợ chi phí cho trả lời bằng văn bản là chưa hợp lý nên phải xem xét, cân nhắc lại. Về nội dung hỗ trợ pháp lý, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An Phan Thanh Miễn cho rằng, ngoài đồng hành, giải quyết các vụ việc cụ thể, để tạo hiệu ứng, lan tỏa, nên tổ chức hỗ trợ theo điểm nhấn, tùy từng thời điểm mà chọn chủ đề và thành phần mời cho phù hợp. Chẳng hạn, hiện doanh nghiệp đang cần thông tin về hiệp định thương mại giữa EVFTA giữa Việt Nam và châu Âu thì nên mời nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của chính sách như dệt may, chế biến thủy sản… Tương tự, nếu tư vấn về các gói hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid thì nên mời các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lưu trú đến đối thoại, hướng dẫn, không nên tổ chức quá dàn trải.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải