60,2% bị la mắng chửi bới
Ở Việt Nam hiện nay, kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đồng tính và chuyển giới được thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Thực tế cho thấy đã có nhiều người bị dèm pha, xa lánh, sợ hãi, đánh đập. Nguyên nhân của điều này đến từ việc thiếu kiến thức chính thống, đầy đủ về người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) dẫn đến thái độ phân biệt đối xử và bạo lực. Tình trạng này đã từng xảy ra ngay từ các mối quan hệ bên ngoài và trong gia đình họ.
Những chuẩn mực giá trị truyền thống trong gia đình cũng khiến những người đồng tính bị phân biệt đối xử. Những chuẩn mực đó đòi hỏi nam giới phải mạnh mẽ, quyết đoán phải làm những công việc nặng, việc to lớn; nữ giới phải nhỏ nhẹ, tỏ ra yếu đuối, dễ thương, làm những công việc nhẹ nhàng. Sau này lớn lên, theo quy luật tự nhiên, con trai phải yêu và lấy con gái làm vợ và ngược lại. Những khuôn mẫu chuẩn mực đó đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, người nào có những biểu hiện khác người thường được gọi là bệnh hoạn. Nhà nghiên cứu độc lập Vũ Thành Long cho biết :Cách đây khoảng 15-20 năm, mọi người thường coi những người LGBT là những người bệnh hoạn vì do những định kiến ở trên.”
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ gia đình và những người thân thường bộc lộ rõ ràng nhất. Và khi đó những người trong gia đình thường dùng mọi cách để ngăn cấm khi biết con mình có quan hệ đồng giới: Từ khuyên bảo đến những biện pháp mạnh mẽ như cấm ra ngoài, đánh đập, đưa con đến bệnh viện chữa bệnh, thậm chí sử dụng đông tây y kết hợp với cúng bái chỉ với mong muốn thay đổi giới tính cho con.
Theo nghiên cứu mới nhất của Isee, cứ 3 người đã công khai mình là LGBT thì có 1 người (33.3%) cảm thấy bị phân biệt đối xử trong 12 tháng qua. Trong khi đó, dù những người chưa công khai mình là LGBT với bất kỳ ai (gia đình, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp), vẫn có một phần sáu (16.4%) những người này cảm thấy bị phân biệt đối xử trong 12 tháng qua. Như vậy, việc không công khai với bất kỳ ai không bảo đảm chắc chắn một người LGBT sẽ tránh được trải nghiệm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Đồng thời, ngoài gia đình ra thì những người như bạn bè, đồng nghiệp cũng có xu hướng phân biệt đối xử.
Tại trường học, những người LGBT thường xuyên bị các bạn trêu chọc khi phát hiện là LGBT. Nếu chưa được bị phát hiện thì sẽ bị người nhìn vào nghi ngờ khi đầu tóc, cử chỉ của bản thân họ khác mọi người. Từ đó, sẽ tiến hành đưa thông tin lên nhà trường, và đưa về gia đình. Những người LGBT còn bị ép buộc làm các hoạt động không mong muốn như phải thay đổi đầu tóc, trang phục, cử chỉ của bản thân làm sao cho đúng giới tính trước đó. Có tới 60,2% người LGBT bị la mắng chửi bới và gần 63% bị ép buộc thay đỏi cử chỉ mỗi ngày, gần 68% người LGBT bị bạn bè lôi mình ra làm câu chuyện bàn tán….
Ông Lương Thế Huy | Ảnh: Thanh Bình |
Thậm chí, những người LGBT lại không có cơ hội tiếp cận những việc làm mà họ có đủ trình độ đảm đương. Sự bất công này khiến người LGBT bị ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, tinh thần, không có cơ hội tìm kiếm việc làm và đóng góp hữu ích cho xã hội. Giám đốc quyền chương trình LGBT Lương Thế Huy đã đưa ra một ví dụ của một bạn LGBT khi đi xin việc làm pha chế tại một quán cafe. Khi tiếp xúc người tuyển dụng thì được đánh giá cao về trình độ pha chế. Tuy nhiên đến nhà lại nhận được tin nhắn là không nhận việc vì có hình xăm trên tay. Người LGBT này cứ thắc mắc tại sao là vừa rồi là đạt tiêu chuẩn, nhưng về nhà lại không đủ điều kiện vì lý do đó. Thậm chí trong quán đó, có người có hình xăm còn to gấp nhiều lần….
Cha mẹ quyết định là chỗ dựa cho con hay không
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông khiến con người có quan niệm cởi mở hơn về cộng đồng LGBT. Đã có rất nhiều người coi người LGBT là người bình thường, họ có quyền yêu, đến với nhau như người bình thường khác. Tuy nhiên, tại sao vẫn có nhiều người chưa dám công nhận mình là người LGBT. Họ chưa đủ cảm đảm để công khai, vẫn tỏ ra thái độ lo sợ rằng khi công khai sẽ có nhiều tình huống không tốt xảy ra với bản thân như là bị kì thị, bị đánh đập hay là không xin được việc…
Những người lớn tuổi thường khó chấp nhận nhóm này hơn là những người trẻ tuổi. Họ thường cho rằng đồng tính là trái với tự nhiên, trái với thuần phong mỹ tục, trái với luân thường đạo lý, với lý lẽ đó nó là điều bất thường cần phải loại bỏ, trong khi những người trẻ tuổi thường có cách nhìn thoáng hơn; họ cho rằng đồng tính cũng như người bình thường khác, họ có quyền yêu nhau và lấy nhau.
Theo lời kể của một người bố có con là LGBT, ông Nguyễn Quang T (thành viên của Cộng đồng cha mẹ có con LGBT - PFLAG Việt Nam) tâm sự rằng khi con học đại học năm thứ 2 là bắt đầu bộc lộ nhiều biều hiện bất thường. Khi đón nhận được tin là con là người LGBT thì gia đình khá là buồn bã, đổ vỡ hình ảnh xây dựng người con trong lòng bố mẹ. Để vượt qua thời điểm khó khăn đó, nhiều gia đình mất tận 10 năm để chấp nhận. Tuy nhiên, theo ông T, thì bố mẹ là người quyết định cho con làm chỗ dựa hay không, nếu được cảm thông người con sẽ tự tin và dần dần sẽ công khai tới mọi người. Ngược lại, nếu không được người con sẽ tự ti, trầm cảm, thậm chí có ý tưởng điên rồ như tự tử…Ông cũng cho biết người LGBT là người bình thường, chứ không phải người bị mắc chứng bệnh rối loạn nào mà cần phải đi chữa khám, đó là nhìn nhận sai lầm của những ông bố bà mẹ về con. Người con cần nhất là sự giúp đỡ, sự đồng cảm của gia đình. Hãy là chỗ dựa tốt nhất cho con, hãy bỏ qua cái tôi của mình ra để cho người con tự tin vào cuộc sống.
Ông Vũ Thành Long | Ảnh: Thanh Bình |
Theo ông Vũ Thành Long, tuy công khai sẽ giúp cho người LGBT thoải mái hơn nhưng công khai không phải là lựa chọn duy nhất. Nếu chưa sẵn sàng, trì hoãn công khai có thể là một lựa chọn đúng đắn, hãy chờ đến khi cảm thấy đủ tự tin và đủ điều kiện để công khai. Kể cả khi không muốn công khai, những người LGBT hãy tìm đến mạng lưới của những người đồng minh, những người giống như bạn, có thể là bạn bè hoặc ai đó hiểu và muốn làm bạn với bạn. Nếu như tham gia nhóm cộng đồng vẫn khiến thấy e ngại, vẫn có thể tìm đến những không gian chia sẻ ẩn danh trên mạng để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, hay lời khuyên của những người có kinh nghiệm. Đó là những cách tốt nhất để cho người LGBT có không gian hòa đồng tốt hơn.
Quá trình nhận diện và thừa nhận xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của chính mình và thể hiện, chia sẻ cho người khác biết của một người LGBT đều phải trải qua 6 giai đoạn (theo mô hình nhận diện của Cass 1979) như Bối rối về bản thân, So sánh với người khác, chấp nhận bản thân, giai đoạn thừa nhận, giai đoạn tự hào, giai đoạn hòa nhập. Tuy nhiên sẽ có nhiều người trải qua gia đoạn một cách mới mẻ hơn: Nhìn nhận bản thân, công khai bản thân, cởi mở với người khác. Như vậy, nếu người LGBT đã nhìn nhận bản thân mình là ai thì việc công khai hay không thì vẫn nên cở mở với người khác.