Cần nhìn nhận khách quan về tài chính tiêu dùng

- Thứ Hai, 05/04/2021, 09:56 - Chia sẻ
Dưới góc nhìn vĩ mô, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, nhất là trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng.

- Xin ông đánh giá về vai trò và triển vọng của thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

TS. Võ Trí Thành: Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam khá hấp dẫn, do nhu cầu tiêu dùng cao, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và tính đa dạng hóa của dịch vụ. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các nền tảng công nghệ mới, các loại hình định chế phục vụ phát triển kinh doanh lĩnh vực này rất đa dạng, tiện ích.

Đặc biệt, Việt Nam có 4 yếu tố tạo ra sức chống chịu khá tốt trước đại dịch như: Một là, có nền tảng vĩ mô ổn định (đã được củng cố sau giai đoạn 2011 – 2012), có khu vực nông nghiệp (được ví như bà đỡ của nền kinh tế), khu vực dịch vụ chưa lớn (nên không bị đại dịch tàn phá nặng nề) và sở hữu tầng lớp trung lưu có tiết kiệm; Hai là, Việt Nam đã sớm chống dịch và chống dịch thành công. Ba là, sức chịu đựng tốt và khả năng vượt khó rất tốt của cộng đồng doanh nghiệp; Yếu tố thứ tư là các gói hỗ trợ của Chính phủ. 

Đây là những cơ sở quan trọng đề kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng trong giai đoạn tới. 

Thực tế nhìn lại, dù tăng trưởng nhanh những năm qua nhưng tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng tín dụng tại Việt Nam so với các nước trung bình ở ASEAN vẫn chỉ bằng một nửa. Khi so sánh với các nước trên thế giới, tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam rất lớn, song tính cạnh tranh cũng rất quyết liệt. Nếu hoạt động của các công ty tài chính được triển khai bài bản, chỉn chu thì đây là mảng tiềm năng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các công ty tài chính và cho cả nền kinh tế.

- Tuy nhiên, hoạt động tài chính tiêu dùng vẫn đang chịu nhiều tai tiếng do không ít người chưa có cái nhìn thấu đáo về lĩnh vực này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Võ Trí Thành: Từ nhiều thập kỷ trước đã có những tranh luận về thị trường tín dụng phi chính thức và thị trường tài chính tiêu dùng. Về bản chất, thị trường tài chính tiêu dùng có những tác động tích cực như cung cấp vốn nhanh, cấp bách cho người dân. Có hai quan điểm mà nhiều người vẫn đang tranh luận. Một là có góc nhìn tiêu cực, dùng luật pháp để bóp nó, trị nó, kiểm soát nó dẫn đến triệt tiêu sự phát triển.

Phần lớn các nhà kinh tế nhìn ở góc độ thứ hai, khi thấy được những mặt tích cực của tài chính tiêu dùng, để cho nó hoạt động và dần dần định hướng cho thị trường phát triển lành mạnh hơn, thông qua những đòi hỏi và nhu cầu của xã hội. 

Quan điểm của tôi là chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng những mặt tích cực của thị trường này, dựa trên quan điểm phát triển để định hướng, khai thác và phát huy những thế mạnh của tài chính tiêu dùng.

- Có nhiều ý kiến vẫn đang muốn siết thị trường này lại, thay vì khuyến khích, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Không nên chuyện gì khó thì cấm. Khi thị trường có nhu cầu và với công nghệ hiện nay, kiểu gì nó vẫn tồn tại và phát triển. Ví dụ như trường hợp internet, nhiều nước họ mở một cách khôn ngoan, theo sự tiến bộ của công nghệ, tạo ra một sức ép đòi hỏi quản lý Nhà nước phải “vượt lên trên” về cách thức, kỹ năng và trình độ quản lý, thúc đẩy sự phát triển.

Tương tự, khi mở rộng và khuyến khích thị trường tài chính tiêu dùng thì buộc các công ty tài chính sẽ phải nỗ lực đổi mới và hoàn thiện để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn trong nền kinh tế phát triển.

- Thưa ông, vậy đâu là giải pháp để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay?

TS. Võ Trí Thành: Tài chính tiêu dùng luôn gắn với việc làm, hành vi lối sống, niềm tin, rủi ro tài chính cả vĩ mô và vi mô. Do đó, để kích thích cho vay tiêu dùng có hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều chính sách. Trước hết, phải gắn liền với đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời phải đưa ra các gói vay mua nhà ở xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy nhanh thực hiện các gói an sinh xã hội… Các ngân hàng, công ty tài chính cũng phải hiểu người tiêu dùng hơn, phải đánh giá được thói quen vay để tiêu dùng của người dân hiện nay là sự thay đổi trong ngắn hạn hay dài hạn.

Về phía Chính phủ, cần có hệ thống chính sách khuyến khích và điều tiết thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển. Một yêu cầu hàng đầu với tín dụng tiêu dùng hiện nay là việc giám sát gắn với tính minh bạch.

Cần có chính sách khuyến khích các công ty tài chính mở rộng mạng lưới hoạt động ở những vùng chưa thể hoặc rất khó đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân.

Mặt khác, cẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng tiêu dùng và nhận diện các hành vi biến tướng của tín dụng đen như cho vay với lãi suất cắt cổ.

Trong bối cảnh hiện nay, tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng nhanh nếu Chính phủ có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Mặt khác, khi tín dụng tiêu dùng tăng trưởng sẽ kích thích sản xuất và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các công ty tài chính cũng đang nỗ lực đổi mới và phát triển các dịch vụ, sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và nền kinh tế, đặc biệt là lộ trình số hóa và nâng cao trách nhiệm khi cho vay.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hải Yến