Cân nhắc phạm vi viên chức được lập doanh nghiệp
Cho rằng không phải tất cả các hoạt động nghiên cứu đều phù hợp để thương mại hóa, đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng nghiên cứu khoa học không thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 10/5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa).
Làm rõ tiêu chí “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (gọi tắt là dự thảo Luật), ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tăng cường minh bạch và phòng, chống rửa tiền, đặc biệt trong xác định chủ sở hữu hưởng lợi.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp khi quy định rõ 7 tình trạng pháp lý giúp cơ quan quản lý, đối tác và người dân dễ dàng nắm bắt tình hình thực tế của doanh nghiệp; làm rõ hành vi kê khai khống vốn điều lệ giúp tăng tính răn đe và góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư…

Để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và minh bạch trong triển khai, đại biểu đề xuất dự thảo Luật cần xem xét nghiên cứu, làm rõ một số nội dung.
Cụ thể, về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”, đại biểu cho rằng, quy định này là hết sức phù hợp, song cần bổ sung tiêu chí rõ ràng để xác định “thế nào là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp?”.
Theo đại biểu, hiện nay, căn cứ các văn bản pháp lý của nước ngoài và trong nước, có một số tiêu chí có thể cân nhắc xem xét.
Ví dụ, khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) định nghĩa: “chủ sở hữu thực sự” là cá nhân “sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên quyền sở hữu hoặc quyền biểu quyết của pháp nhân”, hoặc “có quyền kiểm soát qua các phương tiện khác như thỏa thuận, quyền bổ nhiệm”.
Một số quốc gia, như Vương quốc Anh, quy định một cá nhân được coi là chủ sở hữu quan trọng khi sở hữu hơn 25% cổ phần, hoặc sở hữu hơn 25% quyền biểu quyết, hoặc có quyền bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm đa số thành viên HĐQT, hoặc có quyền kiểm soát doanh nghiệp theo cách khác.
Còn với Hoa Kỳ, tại Đạo luật Công ty Minh bạch, cá nhân được định danh là chủ sở hữu quan trọng là người sở hữu ít nhất 25% cổ phần, hoặc có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định quan trọng của công ty.
Tại Việt Nam, Điều 3 khoản 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định: Chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu hoặc kiểm soát khách hàng và/hoặc cá nhân thay mặt cho khách hàng thực hiện giao dịch, bao gồm nhưng không giới hạn: Cá nhân sở hữu từ 25% trở lên vốn điều lệ hoặc quyền biểu quyết trong pháp nhân; cá nhân có quyền chi phối hoạt động quản lý, điều hành của pháp nhân thông qua người khác hoặc hợp đồng.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật: “Chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp doanh nghiệp, bao gồm nhưng không giới hạn: Cá nhân sở hữu từ 25% trở lên vốn điều lệ hoặc quyền biểu quyết; cá nhân có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm đa số thành viên quản lý; cá nhân có quyền kiểm soát thông qua hợp đồng, cơ cấu pháp lý, hoặc trung gian thay mặt”.
Cần bảo đảm tính đồng bộ
Về quyền góp vốn, quản lý doanh nghiệp của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 17), các đại biểu bày tỏ đồng tình với chủ trương mở rộng quyền tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp của viên chức trong các trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phân tích, Điều 20 Luật Viên chức quy định: “Viên chức không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cho phép…”. Như vậy, việc cho phép viên chức trong cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc điều hành doanh nghiệp không trái với Luật Viên chức, nếu có sự cho phép của cấp có thẩm quyền và mục đích là thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của viên chức.

Về tính bình đẳng giữa các nhóm viên chức, việc chỉ cho phép viên chức ở các cơ sở giáo dục đại học công lập được hưởng quyền này mà không áp dụng tương tự cho viên chức ở các đơn vị nghiên cứu, bệnh viện, trung tâm đổi mới sáng tạo công lập khác là chưa tạo sự công bằng trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập và trong hệ thống viên chức. Các nhóm viên chức khác cũng có vai trò nghiên cứu và có nhu cầu thương mại hóa kết quả nghiên cứu tương tự nhưng không được hưởng quyền này cũng là bất bình đẳng về mặt chính sách.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, quy định như dự thảo Luật còn tiềm ẩn rủi ro. Đó là không phải tất cả các hoạt động nghiên cứu đều phù hợp để thương mại hóa. Một số viện nghiên cứu có chức năng đặc thù như quốc phòng, an ninh, công nghệ mã hóa, sinh học quân sự... không phù hợp để cho phép cá nhân (viên chức) mở doanh nghiệp vì có thể dẫn đến nguy cơ rò rỉ thông tin, xung đột lợi ích, trục lợi chính sách.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề xuất điều chỉnh quy định của dự thảo Luật theo hướng: “Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, không thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp do đơn vị đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, với điều kiện được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền quản lý trực tiếp”.
Tán thành với việc dự thảo Luật bổ sung đối tượng viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định này nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Điều 40 dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đưa ra các tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học rất rộng, gồm các tổ chức khoa học, công nghệ; trung tâm nghiên cứu và phát triển; cơ sở giáo dục đại học; thậm chí bệnh viện có đầy đủ đội ngũ và có điều kiện nghiên cứu.
“Nếu trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành nghiệp, thì các viên chức làm việc tại các tổ chức khoa học, công nghệ khác, như các viện nghiên cứu, có được làm việc này không?”
Đặt vấn đề trên, đại biểu đề nghị đã mở thì cần mở đồng bộ ở cả Luật Nhà giáo, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Doanh nghiệp, tránh tình trạng theo luật này thì được phép nhưng luật khác thì không.