Chính trị

Cân nhắc nâng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương

Đan Thanh 17/05/2025 17:38

Nếu tăng trần nợ vay cho địa phương thì trần nợ vay của Trung ương sẽ ít đi, dẫn đến không có đủ nguồn lực cho các công trình quốc gia.

Chiều 17/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Hai băn khoăn khi nâng trần nợ vay của ngân sách địa phương

Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa) về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Luật; đồng thời cho rằng căn cứ sửa đổi Luật đã chín muồi.

ĐB Lâm
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.Thanh

Góp ý cụ thể, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, dự thảo Luật cần xem xét lại một số nội dung.

Cụ thể, về nâng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, tại khoản 6, Điều 7 dự thảo Luật quy định: “Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương: (1) Đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; (2) Đối với các địa phương có nhận bổ sung cân đối, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp”.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đây là vấn đề lớn. Thực tế, chính sách nâng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương đã được thực hiện thí điểm tại một số địa phương có cơ chế chính sách đặc thù. Lần này, chính sách thí điểm đã được đưa vào trong Luật, nhằm giúp các địa phương chủ động thực hiện dự án lớn trên địa bàn.

Dù khẳng định mục tiêu này là hợp lý, song đại biểu đề nghị cần nghiên cứu. Bởi thực tiễn cho thấy, ngay tại các địa phương được áp dụng thí điểm chính sách này cũng không sử dụng hết mức được giao, thậm chí chỉ khoảng 20 – 30%.

Từ đó, đại biểu tỏ ý băn khoăn về hiệu quả sử dụng vốn vay khi nâng trần nợ vay của ngân sách địa phương, bởi các lẽ sau.

Thứ nhất, tư duy nhiệm kỳ. Thứ hai, nước ta đang triển khai một loạt công trình, dự án lớn, “chắc chắn phải đi vay”, mà tổng số nợ vay được Quốc hội khống chế ở một mức trần. Nếu tăng trần nợ vay cho địa phương thì trần nợ vay của Trung ương sẽ ít đi, dẫn đến sẽ không có nguồn lực cho các công trình quốc gia, trong khi nguồn lực lại phân tán vào các công trình nhỏ hơn ở cấp địa phương mà chưa rõ hiệu quả.

“Điều này sẽ gây gánh nặng cho con cháu của chúng ta phải trả nợ, hạn chế sự phát triển trong tương lai lâu dài của đất nước, gây quan ngại về mặt ổn định vĩ mô”, đại biểu Trần Văn Lâm lo ngại.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá, tổng kết việc thí điểm chính sách này, trước khi đưa vào sửa Luật.

Chính phủ chỉ nên điều chỉnh dự toán ở mức độ nhất định

Liên quan điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, dự thảo Luật dự kiến giao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước mà Quốc hội đã quyết định. Theo quy định hiện hành, nhiệm vụ điều chỉnh này thuộc thẩm quyền Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

đại biểu thảo luận
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14 chiều 17/5. Ảnh: Đ. Thanh

Cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, vì theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước bao gồm tổng thu, tổng chi, cơ cấu chi giữa các lĩnh vực và bội chi ngân sách nhà nước. Theo đó, khi có biến động cần điều chỉnh dự toán đã được Quốc hội quyết định, nhiệm vụ điều chỉnh dự toán thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, việc điều chỉnh ngân sách rất phức tạp, đòi hỏi dự toán phải chính xác, không được sơ sài. Song, thực tế dự toán vẫn còn bất cập nên thường xuyên được đề xuất điều chỉnh, cần phải khắc phục tình trạng này. Mặt khác, dự toán chỉ là dự báo, trong khi bối cảnh đầu năm và cuối năm có sự khác nhau.

Dù cho rằng thực tiễn hiện nay đòi hỏi có sự linh hoạt nhất định cho cơ quan điều hành, song đại biểu Trần Văn Lâm lo ngại, nếu giao thẩm quyền hoàn toàn cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước sẽ dẫn đến vi phạm nguyên tắc, đó là Quốc hội quyết nhưng Thủ tướng điều chỉnh.

“Tuy nhiên, nếu giao chặt cho Quốc hội điều chỉnh cũng khó. Vì thế, cần tính toán để có sự dung hòa: Thủ tướng vẫn nên điều chỉnh song chỉ ở mức độ, điều kiện nhất định; vượt qua mức đó thì phải do Quốc hội điều chỉnh. Điều này sẽ bảo đảm sự linh hoạt, không để tình trạng dù điều chỉnh một đồng cũng phải đưa lên Quốc hội”.

Về thời gian điều chỉnh dự toán, khoản 3, Điều 52 dự thảo Luật điều chỉnh thời gian điều chỉnh dự toán trước ngày 15/11 năm hiện hành thành 15/12 năm hiện hành.

Tán thành sự thay đổi này, song đại biểu lưu ý, cơ quan đề xuất điều chỉnh phải cam kết và chịu trách nhiệm về số dự toán điều chỉnh tăng thêm phải được sử dụng, chứ không phải là điều chỉnh xong rồi để đấy.

Liên quan ứng trước dự toán ngân sách năm sau, khoản 1 Điều 56 dự thảo Luật điều chỉnh ngân sách các cấp được ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách, nhiệm vụ chi quan trọng về quốc phòng, an ninh đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Mức ứng trước không vượt quá 30% tổng dự toán chi của chương trình, nhiệm vụ, dự án.

Dẫn thực tế có tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút tiêu tiền, do dự toán được xây dựng từ đầu năm nhưng phải đến gần cuối năm mới phân bổ được, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau có thể giải quyết được tình trạng này.

“Nên tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong điều hành. Nếu không điều chỉnh được dự toán thì cần cho phép ứng trước ở quy mô nhỏ, phạm vi nhỏ, để tránh lạm dụng”, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị.

Nên giữ quy định hiện hành về dự phòng ngân sách

Liên quan việc tăng dự phòng ngân sách, dự thảo Luật quy định ở mức 2 – 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có); quy định hiện hành tối đa 4%.

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần cân nhắc quy định này, bởi thực tế hiện nay cũng không sử dụng hết nguồn dự phòng 4%. “4% dự phòng ngân sách là lớn rồi”, đại biểu phát biểu và cho rằng không cần tăng thêm.

van-hoa.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.Thanh

Cơ bản đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ vì sao đề xuất tăng dự phòng ngân sách lên 5%, thay vì tối đa 4% như trước đây. Đại biểu đề xuất nên giữ theo quy định hiện hành, bởi thực tế không phải năm nào cũng có thiên tai, dịch bệnh, như dịch Covid-19.

Tại Điều 19 dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, quy định về quyết định dự toán ngân sách nhà nước: không quy định mức bố trí kinh phí cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục- đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nên giữ lại quy định hiện hành, là Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước ở các lĩnh vực này, không nên để Chính phủ quy định.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Lâm kiến nghị, cần cân nhắc quy định thưởng vượt thu không quá 10% số tăng thu cho các địa phương có số thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán Trung ương giao.

Lý lẽ, theo đại biểu, chưa chắc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sản xuất trên chính địa phương đó, mà từ địa phương khác chuyển tới. Gói ngân sách chỉ có thế, nếu dành thưởng chỗ này mà chỗ kia bị hụt thì ai sẽ bù cho chỗ bị hụt? - Đại biểu đặt vấn đề, đồng thời đề nghị không nên quy định trong luật để áp dụng lâu dài.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cân nhắc nâng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO