Xem xét quy định thời hạn Sở Tư pháp ra quyết định tạm ngừng hoạt động văn phòng công chứng
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm: 10 chương, 78 Điều. Dự thảo Luật quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng.
Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng hiện hành. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công chứng.
Cũng theo các đại biểu, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan, đặc biệt là với các luật vừa được Quốc hội thông qua... Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với một số luật khác có liên quan.
Về tạm ngừng hoạt động Văn phòng công chứng, dự thảo Luật quy định, văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp không thể hoạt động vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) trong trường hợp này thì Sở Tư pháp có thể chưa kịp thời biết thông tin để ra quyết định tạm ngừng hoạt động của Văn phòng công chứng trong thời hạn theo quy định, đặc biệt là Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có số lượng lớn tổ chức hành nghề công chứng. Nêu vấn đề này, đại biểu cho rằng, để thực hiện được điều này cần thiết phải có thông báo/thông tin từ Văn phòng công chứng... Do đó, đề nghị xem xét quy định về thời hạn Sở Tư pháp ra quyết định tạm ngừng hoạt động.
Liên quan đến công chứng giao dịch đã được soạn thảo sẵn (Điều 39), đại biểu đề nghị giữ nguyên thành phần hồ sơ công chứng “Phiếu yêu cầu công chứng” (Khoản 1) như quy định hiện hành. Theo đại biểu, phiếu yêu cầu là căn cứ đầu tiên để phát sinh nội dung yêu cầu công chứng; người tiếp nhận sẽ nắm bắt nhanh yêu cầu, từ đó việc tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn thủ tục của công chứng viên sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Hồ sơ công chứng có giá trị lưu trữ lâu dài, như một bản tóm tắt các thành phần hồ sơ, ý chí, nội dung người yêu cầu công chứng, sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc lưu trữ, kiểm soát thành phần hồ sơ”, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh.
Về trình tự công chứng (tại Khoản 2 và Khoản 7), đại biểu đề nghị đưa nội dung xuất trình bản chính các giấy tờ tại khoản 7 thực hiện đồng thời với việc kiểm tra các giấy tờ tại khoản 2 để bảo đảm tính logic của quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ… Đồng thời, đề nghị bỏ quy định đối với việc có thể xuất trình bản sao có chứng thực đối với giấy tờ tùy thân (Khoản 7) vì khi thực hiện công chứng thì công chứng viên phải xem xét, đối chiếu giấy tờ tùy thân để nhận dạng người yêu cầu công chứng khi tham gia giao dịch.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về mô hình tổ chức văn phòng công chứng; cơ chế hậu kiểm; xử lý vi phạm trong thực hiện quy trình công chứng; phân quyền khai thác dữ liệu bảo đảm hiệu quả; bảo mật, an toàn dữ liệu lưu trữ; thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm công chứng viên; giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên; quản lý, sử dụng chặt chẽ con dấu; trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng…
Các đại biểu cũng khẳng định: Việc bổ sung quy định về công chứng điện tử tạo thuận lợi cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; cân nhắc việc mở rộng phạm vi công chứng các giao dịch bất động sản không phụ thuộc địa giới hành chính; khuyến khích quảng cáo công chứng để người dân dễ tiếp cận; tiếp nhận, xử lý trách nhiệm văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động; quy định việc miễn nhiệm công chứng viên theo hướng quy định tỷ lệ giải quyết công chứng không liên tục; bảo đảm quyền tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh; đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng; xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân…
Quản lý hoàn thuế, tránh trục lợi, gây thất thoát ngân sách
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 4 chương, 18 điều.
Cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Song các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật; cân nhắc thu hẹp nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế; kê khai, khấu trừ bổ sung được thực hiện vào kỳ phát hiện sai sót; quy định chặt chẽ điều kiện khấu trừ thuế.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất; bổ sung quy định cho phép không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa mua bán của cư dân biên giới; quy định cụ thể việc cho phép các doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế thuế suất 0%; mở rộng đối tượng được hoàn thuế; quy định cụ thể tiêu chí phân loại người nộp thuế.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc các yếu tố liên quan như mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; rà soát chuẩn nghèo đa chiều mới, thu nhập bình quân đầu người để quy định ngưỡng doanh thu thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng; tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu. Xây dựng mức thuế suất giá trị gia tăng theo hướng bảo vệ nguồn thu và tránh bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước; xác định phương án điều chỉnh điều kiện khấu trừ thuế đầu vào; loại hình dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%; điều kiện khấu trừ thuế đầu vào đối với hàng hóa xuất khẩu; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tránh trục lợi, gây thất thoát ngân sách.