Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Cân nhắc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:03 - Chia sẻ
Tại Luật Phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) hiện hành, chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm được thông báo kết quả xét nghiệm và chưa quy định cụ thể các cá nhân được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm. Quy định hiện hành đã làm nảy sinh một số vấn đề trong quá trình áp dụng. Vì thế, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày mai, Chính phủ đề xuất, mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm virus.

Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin

Tại Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện hành, chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV mới được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Do giới hạn đối tượng được tiếp cận thông tin nên có tình trạng nhiều người nhiễm HIV đã biết tình trạng bệnh nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác. Cơ quan chức năng do không tiếp cận được thông tin người nhiễm nên không thể xác định được đối tượng, khu vực lây nhiễm HIV cao để có biện pháp chống HIV/AIDS phù hợp. Ngoài ra, theo Tờ trình của Chính phủ, quy định hiện hành cũng gây khó khăn trong thực hiện các quy định, chính sách bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV, chưa bảo đảm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm...

Bên cạnh đó, theo Tờ trình dự án Luật, quy định người dưới 16 tuổi khi thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ không phù hợp với thực tiễn và hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Thực tế, trẻ từ 15 tuổi nhiễm HIV có quan hệ tình dục rất lo ngại, không dám tiết lộ nguy cơ lây nhiễm HIV cho cha mẹ để cha mẹ đồng ý cho nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm HIV. Trong khi đó, các cơ sở, nhân viên y tế không xét nghiệm cho trẻ dưới 16 tuổi nếu không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng. Do vậy, trẻ sẽ mất đi cơ hội được xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được ban hành 14 năm trước, trong bối cảnh xã hội rất khác so với hiện nay. Đại diện Bộ Y tế lưu ý, tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, nhóm vợ, bạn tình của người nhiễm HIV tăng nhanh, trong khi nhóm này khó nhận dạng, khó tiếp cận do kỳ thị. Do đó, cần thay đổi phương pháp tiếp cận bằng cách tìm theo dấu vết, mạng lưới của người nhiễm để tìm kiếm những người có nguy cơ cao nhất lây nhiễm HIV. Điều này chỉ hiệu quả khi biết thông tin của người nhiễm HIV và được quyền tiếp cận họ sớm. Để thực hiện được thì cần bổ sung đối tượng cần thiết được tiếp cận thông tin người nhiễm để phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho chính người nhiễm HIV.

Nguồn: ITN

Giảm nguy cơ lây nhiễm

Để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ đề xuất bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, Tờ trình dự án Luật nêu rõ.

  Dự án Luật cũng điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, có nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng.

Theo dự án Luật, độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em được giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Việc trẻ em đủ 15 tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm được cho là để phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ nhiễm HIV, cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ.

Về nguyên tắc, việc mở rộng đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm, cũng như bổ sung một số quy định liên quan tại Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện hành sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan loại bệnh nguy hiểm này. Nhưng quy định này liên quan đến một số luật đang được sửa đổi (Luật Cư trú), ảnh hưởng đến cuộc sống của người nhiễm HIV nên nhận được nhiều góp ý của các cơ quan, đơn vị. Theo góp ý của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS, dự thảo Luật cần bỏ quy định yêu cầu người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn (Khoản 2, Điều 4). Thay vào đó, dự thảo Luật nên quy định cho phép cán bộ y tế quyết định có nên hay không thông báo tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn. Quyết định thông báo cho người sinh sống với người HIV cần được cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể, tôn trọng các nguyên tắc về đạo đức và chỉ thực hiện khi hội tụ đầy đủ các tiêu chí gồm: Người nhiễm HIV trong trường hợp này đã được tư vấn đầy đủ; Việc tư vấn cho người nhiễm HIV không giúp đạt được các thay đổi cần thiết về hành vi; Người nhiễm HIV từ chối tự thông báo hay đồng ý để người khác thông báo cho vợ, chồng hoặc người chuẩn bị kết hôn biết về tình trạng nhiễm HIV của bản thân...

Lê Bình