Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Cân nhắc lộ trình thí điểm phiên tòa trực tuyến

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 16:18 - Chia sẻ
Từ 2005, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương về cải cách tư pháp từ những năm 2005. Đây cũng là xu thế toàn cầu trong thời kỳ hội nhập. Đến nay, khu vực ASEAN chỉ còn 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam chưa thực hiện hình thức phiên tòa trực tuyến. Quyết sách lần này của Quốc hội sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị quốc gia.

Nguyễn Minh Tâm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Từ 2005, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương về cải cách tư pháp từ những năm 2005. Đây cũng là xu thế toàn cầu trong thời kỳ hội nhập. Đến nay, khu vực ASEAN chỉ còn 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam chưa thực hiện hình thức phiên tòa trực tuyến. Quyết sách lần này của Quốc hội sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị quốc gia.

Xét tình hình thực tế, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ là giải pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế án tồn đọng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu trong phiên thảo luận
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu

Tuy nhiên, tại Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: “Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng”. Do đó, để có cơ sở cho việc tổng kết báo cáo Quốc hội sau thời gian thực hiện, đề nghị cơ quan tham mưu soạn thảo Nghị quyết nghiên cứu bổ sung quy định này vào nội dung Nghị quyết để làm cơ sở căn cứ rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, bên cạnh sự đồng tình, đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề như: Dù xét xử trực tuyến cũng được coi là xét xử trực tiếp, liệu hình thức xét xử này có đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai không khi mà chỉ có người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng được tham gia phiên tòa, được biết đến phiên tòa?

Thứ nữa, về nguồn lực, Tờ trình chưa thể hiện việc đánh giá về nguồn lực đi kèm để có thể chỉ ra tính khả thi ngay tại thời điểm Nghị Quyết và Thông tư có hiệu lực (theo Dự thảo là từ 01.01.2022). Trên cơ sở nội dung dự thảo của Thông tư liên tịch giữa Toà án nhân dân tối cao –Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an, tại khoản 2 Điều 7 nêu rõ: quy định điểm cầu thành phần đối với phiên tòa tối đa không quá 03 điểm cầu (ngoài điểm cầu trung tâm là Toà án còn có 2 điểm cầu khác trong mỗi phiên toà!?).

Với hệ thống, quy mô, cơ sở vật chất thực tế của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an... hiện nay, đại biểu tin rằng nguồn lực để đầu tư đảm bảo cho việc thực hiện một phiên tòa trực tuyến theo Thông tư như đã nói trên là không nhỏ. Được biết việc thực hiện quy định lấy lời khai, hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình đến nay vẫn chưa thực hiện được. Do đó, đề nghị nên cân nhắc nguồn kinh phí để đầu tư hạ tầng công nghệ cho phiên toàn xét xử trực tuyến lấy từ nguồn nào? Mất thời gian bao lâu để trang bị trong lúc nguồn ngân sách Nhà nước cả Trung ương và địa phương rất khó khăn như hiện nay.

Cuối cùng, phiên toà trực tuyến chỉ có thể thực hiện khi có đơn của người có kháng cáo, của đương sự khác liên quan đến kháng nghị (trong xét xử hình sự phúc thẩm) hoặc phải có đơn của đương sự (trong xét xử dân sự, hành chình...). Vậy liệu với nguồn lực bỏ ra đầu tư hạ tầng cơ sở trên toàn quốc có lãng phí không, nhất là nếu số lượng phiên toà trực tuyến được mở để xét xử quá ít, không thường xuyên? Tại Tờ trình cũng không thể hiện đánh giá và thống kê trong năm có bao nhiêu vụ án chậm xét xử, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua.

Với những băn khoăn nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét, theo hướng có lộ trình thí điểm tại một số tỉnh thành, trong đó quan tâm thí điểm ở các địa phương khó khăn hơn về kinh tế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dân trí có hạn chế hơn) để có đánh giá thật toàn diện quy định này trước khi thực hiện trên diện rộng hơn.

Nam Anh