Chính trị

Cân nhắc kỹ, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm

Quang Khánh 20/05/2025 22:04

Thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Định) về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các đại biểu tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, việc xem xét bỏ ở tội danh nào cần cân nhắc kỹ, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

z6620699219550_46eb72b4021959c7f65522d0143f4ea6.jpg
ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) đề nghị cần cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô, Tội nhận hối lộ, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Bởi, tội tham ô và tội nhận hối lộ là một trong những tội chủ yếu trong tham nhũng. Đảng ta xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ kìm hãm sự phát triển đất nước; và không phải bất cứ ai rơi vào tội này cũng bị hình phạt cao nhất là tử hình mà xem xét xử lý trong từng trường hợp cụ thể.

z6620457812363_f3d5cc0dfa32ac1f748082552c2c81a8.jpg
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) khi giảm khung hình phạt từ tử hình xuống chung thân cần cân nhắc tính toán để bảo đảm kinh phí ngân sách nhà nước khi thực hiện chủ trương này.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, phù hợp với các chủ trương, quan điểm của cấp có thẩm quyền; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Các quy định phải được đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nhân văn, khả thi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo, nhiều ý kiến tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản đảm bảo từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản đảm bảo; quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.
Đồng thời, cần rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.

z6620584033363_2a3218d717fbbb58a3cae1a5750a47f0.jpg
ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đồng tình với quy định này, ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng, việc quy định phân cấp như dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước. Thực tế rủi ro rút tiền hàng loạt không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại yếu kém, mà các ngân hàng thương mại có quy mô lớn hoạt động hiệu quả vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ rút tiền hàng loạt do các sự cố khách quan. Do đó, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua cho vay đặc biệt cần được quyết định một cách nhanh nhất và việc chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước sẽ đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, khẩn cấp này trên thực tế.

Tại Khoản 6, Điều 198a quy định “trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
Theo đại biểu Vương Thị Hương quy định như dự thảo Luật là không khả thi, vì hiện nay không có quy định cụ thể như thế nào trái đạo đức xã hội; việc xác định thế nào là trái đạo đức xã hội phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan dẫn đến tổ chức tín dụng rất khó xác định thế nào là biện pháp trái đạo đức xã hội để không áp dụng biện pháp đó trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, có thể ảnh hưởng đến việc thu hồi, xử lý nợ của các tổ chức tín dụng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc bỏ cụm từ “trái đạo đức xã hội”, hoặc nếu vẫn giữ quy định như dự thảo Luật đề nghị có hướng dẫn chi tiết về nội dung này để các tổ chức tín dụng có cơ sở triển khai các biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong thực tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cân nhắc kỹ, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO