Cân nhắc kỹ quy định lãi suất

Trần Hiếu 15/10/2015 17:41

(ĐBNDO)- Nên quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật dân sự tối đa 20%/năm của khoản tiền vay hay vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu? Pháp luật cần ghi nhận thực tiễn cuộc sống tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như thừa nhận chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận chiều ngày 15.10 tại Phiên họp thứ 42 UBTVQH

Cho ý kiến về lãi suất quy định tại Điều 465 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản trong khi quy định hiện hành là 150% . Đồng thời đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.

 Điều 465: Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định. Trường hợp không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

3. Phương án 1:Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Phương án 2:Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Về vấn đề lãi suất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay, nếu như vậy có nghĩa là không còn khái niệm lãi suất cơ bản. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước không phải hàng năm công bố lãi suất cơ bản. Vấn đề này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì lãi suất cơ bản là “barie” được cơ quan quản lý Nhà nước là Ngân hàng Nhà nước đưa ra để giới hạn đối với các giao dịch liên quan đến lãi suất phải tuân thủ. Vì vậy, với phương án 1 có mặt tích cực là không phải sử dụng khái niệm lãi suất cơ bản. Nhưng nếu lạm phát tăng vượt quá mức cho phép, thì người cho vay sẽ chịu thiệt. Thực tế, trong năm 2011, do lạm phát tăng 18,75%, nên nếu lãi suất thực là 3% thì người cho vay cũng phải để lãi suất 21% mới bảo đảm có lãi. Nếu để mức lãi suất cố định là tối đa không quá 20%/năm của khoản tiền vay thì người cho vay đã bị thiệt chỉ với tốc độ trượt giá của năm 2011. Do đó, nếu có thể và để bảo đảm thời hiệu của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) kéo dài, thì nên để mức lãi suất cố định là 30% - chỉ có thể đạt được khi CPI biến động đặc biệt. Nếu cá nhân tổ chức nào cho vay vượt quá mức này thì có thể xếp vào hình thức cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự như vậy. Hơn nữa, lãi suất tái cấp vốn là lãi suất chỉ có trong quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không có quan hệ rộng rãi trong xã hội. Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay của một hay một số ngân hàng thương mại có tỷ trọng tín dụng lớn, hay lãi suất trái phiếu Chính phủ... cũng là những mức lãi suất cụ thể của từng tổ chức tín dụng có thể làm cơ sở cho việc công bố lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước làm công cụ điều hành và quản lý nhà nước về tiền tệ. Việc quy định chung trần lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự tất yếu phải áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm thảo luận đó là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần ghi nhận hộ gia đình trong Bộ luật. Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cho rằng, doanh nghiệp tư nhân hiện nay khác với trước đây, chủ doanh nghiệp không còn là người chủ sở hữu, mà chủ sở hữu có thể thuê người khác làm đại diện pháp luật của mình. Người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, doanh nghiệp không phải là pháp nhân, không phải là đại diện cho pháp nhân. Tuy nhiên, hàng ngày họ bán hàng trăm hàng hóa cho người tiêu dùng. Cùng với đó, hộ giao đình theo bộ luật hiện hành có tài sản chung, có tham gia lao động tạo ra của cải, sản phẩm của gia đình. Bố đẻ, con trai trưởng thường là chủ đại diện đương nhiên của hộ gia đình. Bộ luật Dân sự hiện hành không nói hộ gia đình là chủ thể quan hệ dân sự, mà nói các quan hệ khác là chủ thể giao dịch. Vấn đề đặt ra là Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có điều chỉnh giao dịch dân sự ngoài giao dịch của cá nhân và pháp nhân không? Nếu không điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh 50% giao dịch dân sự trong xã hội, Phó chủ nhiệm Trần Đình Long nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cân nhắc kỹ quy định lãi suất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO