Cân nhắc kỹ lưỡng...

- Thứ Hai, 19/04/2021, 11:15 - Chia sẻ
Theo dự thảo Quy hoạch đường sắt thời kỳ tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang lấy ý kiến các bộ, ngành thì từ nay tới năm 2040 sẽ đầu tư để chạy tàu với tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách, nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng, chia thành 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2032 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh, đưa vào khai thác năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 561,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 56.160 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2 từ năm 2035 - 2040, đầu tư nối đoạn Vinh - Nha Trang, ưu tiên trước đoạn Vinh - Đà Nẵng để khai thác vào năm 2040; đoạn Nha Trang - Đà Nẵng đầu tư đồng thời hoặc kéo dài tới năm 2050. Giai đoạn này tổng vốn đầu tư hơn 772,6 nghìn tỷ đồng, bình quân 38.632 tỷ đồng/năm. Tổng vốn đầu tư hoàn thiện toàn tuyến hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 58,71 tỷ USD.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải trình có tổng chiều dài toàn tuyến 1.559km, nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tốc độ thiết kế toàn tuyến 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h, chỉ chở khách.

Quy hoạch này cũng là phương án Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ trước đó. Đồng thời, đề nghị đầu tư thêm 1,8 tỷ USD nâng cấp đường sắt hiệu hữu để khai thác tàu hàng và chở khách địa phương...

Thực tế, đường sắt nước ta dường như bị "quên lãng" không được đầu tư vài chục năm nay, dẫn đến mất lợi thế so với đường bộ, hàng không cũng như đường biển. Với xu hướng phát triển hiện nay cũng như trong tương lai, yêu cầu phải đầu tư cho đường sắt là cần thiết, thế nhưng đầu tư như thế nào lại không đơn giản.

Như góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào dự thảo thì Bộ Giao thông Vận tải nên bổ sung phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu, để khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ tàu dưới 200km/h với tổng mức đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD. Dẫn phân tích của các chuyên gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với chiều dài hàng nghìn km, tốc độ tàu khoảng 200km/h mang lại hiệu quả hơn tốc độ 350km/h, thời gian di chuyển Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khoảng 8 tiếng là hợp lý.

Trái ngược với quan điểm này, theo Bộ Giao thông Vận tải, việc nâng cấp đường sắt hiện hữu lên đường đôi, khổ ray 1,435mm sẽ gặp nhiều khó khăn vì gần như xây mới, chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Ngoài ra, việc khai thác chung tàu khách và hàng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, hiệu quả không cao và không phù hợp xu hướng thế giới. Và theo tính toán của tư vấn, nếu nâng cấp đường sắt như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nguồn vốn đầu tư khoảng 40 tỷ USD.

Phân tích kỹ hơn, một số ý kiến cho rằng, với 80% dân số có thu nhập trung bình khá trở xuống thì giá vé như thế nào là vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Nếu tàu cao tốc nhanh nhưng vé lại đắt hơn máy bay giá rẻ thì người dân sẽ chọn máy bay. Mặt khác ở một số nước, như Nhật Bản, tàu cao tốc chưa bao giờ hoàn được vốn đầu tư, thậm chí ở một số tuyến, tiền bán vé không đủ bù chi phí vận hành, bảo dưỡng. Bởi vậy, nâng cấp đường sắt hiện hữu thành đường đôi, khổ ray 1.435mm, tàu khách chạy 150km/h, tàu hàng chạy 100km/h sẽ khả thi hơn. Nhà nước sẽ không phải bù lỗ để người dân đi tàu cao tốc...

Đường sắt của nước ta đã quá lạc hậu. Thế nhưng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế thì việc xây dựng mới để tiến thẳng lên hiện đại hay nâng cấp đường hiện hữu để chạy tàu nhanh hơn phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh dài trải, không hiệu quả.

Khương Ninh