Cân nhắc kỹ cơ chế đặc thù

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 06:19 - Chia sẻ
Trong gói hỗ trợ quy mô gần 350.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ dành 103.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, Chính phủ đề xuất Quốc hội 3 cơ chế đặc thù. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề cần xem xét với cả 3 đề xuất này.

Cơ chế đặc thù thứ nhất là được chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ, đền bù, giải phóng mặt bằng; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu; thưởng tiến độ cho các nhà thầu hoàn thành sớm dự án.

Thứ hai là, cho phép chủ đầu tư được khai thác một số loại mỏ khoáng sản mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép mỏ, áp dụng kèm với nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghĩa vụ thuế của chủ đầu tư.

Ba là, phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện đoạn tuyến/dự án đường cao tốc đi qua địa bàn.

Đối với đề xuất thứ nhất, băn khoăn lớn nhất liên quan đến rủi ro tham nhũng, thất thoát nếu áp dụng chỉ định thầu. Chỉ định thầu trong đầu tư, mua sắm công xưa nay là "mảnh đất màu mỡ" của tham nhũng. Dù chỉ định thầu có được bổ trợ bằng những quy trình, thủ tục chặt chẽ tới mức nào chăng nữa thì rủi ro tham nhũng vẫn rất cao. Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án giao thông BOT thời gian qua cho thấy việc chỉ định thầu (trong đó có các gói thầu tư vấn) dẫn đến các nhà thầu không bảo đảm năng lực, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Cơ chế đặc thù thứ hai xuất phát từ thực tế triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021. Nhu cầu vật liệu phục vụ thi công toàn tuyến vô cùng lớn nhưng không đáp ứng được (trong đó có nguyên nhân là quy trình, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian), ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16.6.2021 và Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19.10.2021 quy định các cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Tình trạng thiếu vật liệu cơ bản đã được giải quyết. Do đó, Chính phủ hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện theo các Nghị quyết này và có giải pháp quyết liệt để xử lý những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện. Nếu bỏ qua thủ tục cấp phép, rủi ro ảnh hưởng môi trường không hề nhỏ.

Cơ chế đặc thù thứ ba theo Chính phủ là nhằm “giảm tải” cho Bộ Giao thông Vận tải trong thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với quy định của nhiều luật, có thể phá vỡ tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Thêm vào đó, chênh lệch lớn trong mức giá đền bù tại các điểm giáp ranh giữa các tỉnh sẽ dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Hơn nữa, năng lực quản lý đầu tư đường cao tốc của các địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và giải ngân vốn đầu tư công của địa phương. Vì vậy, việc giao thêm cho UBND cấp tỉnh thực hiện dự án đường bộ cao tốc có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, việc giải ngân vốn của cả dự án cao tốc và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn của địa phương. 

Bối cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi có cơ chế đặc thù để giải ngân và thực hiện nhanh các dự án hạ tầng chiến lược. Tuy nhiên, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ ngày 4.1: Nguyên tắc là phải bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật và thẩm quyền của ai người ấy làm. Cái gì cần thiết và “vượt khung" thì cần Quốc hội xem xét, nhưng phải có luận cứ, có địa chỉ và phạm vi cụ thể kèm theo quy trình, thủ tục chắc chắn, rõ ràng. Do đó, 3 đề xuất nêu trên cần được xem xét kỹ lưỡng, nhiều chiều trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Hà Lan