Sức khỏe

Cần một điều luật để bảo vệ nhân viên ngành Y tế

Chi Nguyễn 21/05/2025 06:38

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, dù luật Khám Chữa bệnh (sửa đổi) đã có những điều khoản răn đe nhưng trong thực tế chưa phát huy được tác dụng. Cần có điều luật cụ thể hơn về xâm hại sức khoẻ và tinh thần đối với nhân viên y tế trong các tình huống khám chữa bệnh thông thường và cấp cứu.

Khi phòng cấp cứu không còn an toàn

Chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2025 đã liên tiếp ghi nhận các vụ việc nhân viên y tế bị bạo hành tại các cơ sở khám chữa bệnh trên khắp cả nước.

Dù mức độ và cách thức của các hành vi bạo lực này là khác nhau, tuy nhiên điểm chung đó là đều xảy ra ngay tại phòng cấp cứu – nơi những “cuộc chiến” sinh – tử diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Thế nhưng giờ đây “cuộc chiến” của các y bác sĩ tại phòng cấp cứu không chỉ là với “tử thần” mà còn là với chính thân nhân hay người bệnh.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, phần lớn các vụ bạo lực nhắm vào nhân viên y tế xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, với 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% điều dưỡng. Nguyên nhân thường xuất phát từ việc thân nhân bệnh nhân không hiểu rõ quy trình cấp cứu, suy đoán bác sĩ chậm trễ, hoặc bị ảnh hưởng bởi rượu bia, chất kích thích...

Hệ quả của những vụ việc này không chỉ là tổn thương về thể chất cho các nhân viên y tế mà còn là nỗi ám ảnh về tâm lý.

Đa phần các nhân viên y tế sau khi bị hành hung đều rơi vào trạng thái hoảng loạn, nhất là với những nhân viên nữ. Có người đã xin chuyển khoa, thậm chí xin nghỉ.

Đây cũng là nỗi lo lắng chung được ghi nhận tại nhiều bệnh viện. Một bác sĩ từng có 8 năm công tác tại khoa cấp cứu cho biết phòng cấp cứu được coi là một trong những nơi nguy hiểm tuyến đầu tại bệnh viện với rất nhiều nguy cơ. Dẫu vậy, ưu tiên cấp cứu, xử lý cho bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu.

“Đi làm áp lực vì công tác chuyên môn, giờ còn phải lo lắng về việc có thể bị hành hung, lăng mạ thì khó lòng để chúng tôi chuyên tâm vào công việc của mình”, một bác sĩ chia sẻ.

Nhân viên y tế bị hành hung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ảnh: Báo VietNamPlus
Nhân viên y tế bị hành hung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ảnh: Báo VietNamPlus

Cần chế tài chặt chẽ đủ sức răn đe

Chia sẻ cùng phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp - ĐBQH thành phố Huế nhận định câu chuyện này cần nhìn nhận từ hai phía.

Môi trường bệnh viện, đặc biệt là tại các phòng cấp cứu thường rất căng thẳng. Thái độ của người thầy thuốc rất khẩn trương, nhanh chóng, tránh những động tác rườm rà, làm thế nào đưa đến kết quả cấp cứu cao nhất. Bởi vậy nên đôi khi trong quy tắc ứng xử người ta thiếu đi những từ ngữ hay những câu có tính trung gian. Dẫn đến bệnh nhân khi nghe qua nghĩ rằng bác sĩ khô cứng và không mềm mại.

Về phía bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân khi vào cấp cứu đều rất căng thẳng, thậm chí nhiều người còn rơi vào trạng thái hoảng loạn. Vì vậy chỉ cần một va chạm nhỏ hoặc một động tác, một ánh nhìn cũng có thể gây căng thẳng và dẫn đến xung đột.

Đôi khi bệnh nhân hoặc người nhà cảm thấy nóng ruột, chưa hài lòng với công tác cấp cứu của nhân viên y tế, họ dễ căng thẳng dẫn đến bức xúc. Lúc này người nhân viên y tế nếu không có thái độ ứng xử đúng mực, hài hoà có thể dẫn đến xung đột.

"Thực tế không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có những vụ việc như vậy”, đại biểu Phạm Như Hiệp nhận định.

202406271018271721_z5578151532073_6e504f384c011d5a633b9eca8460779e.jpg
Đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn ĐBQH thành phố Huế. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Thực tế, lo lắng, sốt ruột, gấp gáp là tâm lý chung của các bệnh nhân và người nhà khi vào cấp cứu. Ai cũng muốn bác sĩ phải thăm khám ngay cho trường hợp của mình mà quên mất rằng ở phòng cấp cứu sẽ luôn thường trực các ca bệnh nguy kịch khác.

“Bệnh nhân nhiều khi không hiểu hết được về mặt chuyên khoa đã đúng hay chưa, nhưng chỉ cần một thái độ chưa đúng của các nhân viên y tế thì chắc chắn người ta sẽ phản ứng rất căng thẳng. Đó là việc mà người thầy thuốc phải luôn chú ý và rút kinh nghiệm”, đại biểu Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.

Các bác sỹ ép tim cấp cứu bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba. Ảnh: Chụp từ clip
Các bác sĩ ép tim cấp cứu bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba. Ảnh: Chụp từ clip

Chia sẻ kinh nghiệm của Bệnh viện Trung ương Huế, theo đại biểu Phạm Như Hiệp cần tăng cường an ninh, an toàn trong bệnh viện bằng nhiều giải pháp.

“Chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Thanh niên của Công an thành phố Huế tổ chức tuần tra, giám sát các hoạt động ở phòng cấp cứu cũng như ở các khu vực khác trong bệnh viện. Khi có sự xuất hiện của cơ quan công quyền thái độ của mỗi bên đều có phần hạ hỏa và kịp thời giải quyết những tình huống chẳng may xảy ra.”

12 điều y đức, hay công tác giáo dục tư tưởng khi làm việc với bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh và cấp cứu là những bài học cần luôn được nhắc lại đối với các y bác sĩ.

Tuy nhiên với trường hợp người nhà bệnh nhân quá bức xúc gây mâu thuẫn hoặc xung đột trong hệ thống khám chữa tại bệnh viện thì quy định nào sẽ ràng buộc hành vi của họ?

“Phải có các chế tài thật chặt chẽ, có tính răn đe hoặc ngăn ngừa để làm sao các hiện tượng hành hung nhân viên y tế sẽ không xảy ra nữa”, đại biểu Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.

Cần một điều luật để bảo vệ ngành Y tế

Bày tỏ quan điểm của mình xoay quanh câu chuyện xảy ra tại Trung Tâm Y Tế Thanh Ba (Phú Thọ), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng trạng thái của người nhà bệnh nhân trở nên quá khích là hoàn toàn dễ hiểu, tuy nhiên cũng vì vậy nên cần có những giải pháp để đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế.

“Giá như có hệ thống bảo vệ chuyên nghiệp, cách ly sớm thân nhân khỏi khu vực cấp cứu và có những điều luật đủ mạnh để kìm hãm những cái đầu đang bốc hoả... Chắc chắn chính người mẹ ấy sẽ ôm lấy các y bác sĩ đã cứu sống con mình và cái kết sẽ là một câu chuyện thật cảm động, đầy tính nhân văn”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm cần siết chặt hành lang pháp lý cho các hành vi bạo lực, đe doạ nhân viên y tế trong môi trường bệnh viện, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng dù luật Khám Chữa bệnh (sửa đổi) đã có những điều khoản răn đe nhưng trong thực tế chưa phát huy được tác dụng. Cần có điều luật cụ thể hơn về xâm hại sức khoẻ và tinh thần đối với nhân viên y tế trong các tình huống khám chữa bệnh thông thường và cấp cứu.

Bên cạnh đó cần có quy định cụ thể trong công tác bảo vệ bệnh viện như vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của nhân viên bảo vệ bệnh viện, các trang thiết bị hỗ trợ được sử dụng; quy định dùng hình ảnh trích xuất camera, điều khoản tăng nặng khi sử dụng hình ảnh nhân viên y tế và khoa phòng điều trị trên mạng xã hội mà chưa được sự chấp thuận của đơn vị, cá nhân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Trước những e ngại nếu mỗi ngành có điều luật riêng để bảo vệ nhân lực của mình, sẽ trở thành một "rừng luật", bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng luật pháp được xây dựng theo các hoạt động thực tiễn của xã hội.

Y tế là một ngành đặc biệt, hiện tượng hành hung nhân viên y tế chưa bao giờ chấm dứt, gây tác động đặc biệt đến phạm trù đạo đức toàn xã hội (với các hành vi lăng mạ, đánh chửi người đang chữa bệnh cho người thân mình).

Vì vậy cần những đạo luật để giải quyết những hiện tượng được coi là nghiêm trọng, tác động lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

“Rất nhiều điều cần chi tiết cụ thể đủ để quy định thành một điều luật nhằm bảo vệ ngành Y tế - một ngành nghề đặc biệt. Ngành Y tế Việt Nam xứng đáng có được một điều luật bảo vệ, để chúng tôi yên tâm làm nghề của mình”, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Chế tài xử phạt với hành vi hành hung bác sĩ

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, dù bất cứ lý do gì thì hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho người thân của mình là hành vi vô ơn và không thể chấp nhận được.

Hành vi dùng dao tấn công bác sĩ, đâm vào những vùng hiểm yếu nhưng bác sĩ đã tránh kịp, được sự hỗ trợ kịp thời nên bảo toàn được tính mạng và sức khỏe thì đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu sự việc khiến cho bác sĩ sợ hãi, lo lắng tính mạng của mình có thể bị xâm hại thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 (Bộ luật Hình sự 2015).

Trường hợp hành vi của người này không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng và cũng không dẫn đến hậu quả bác sĩ lo sợ rằng hành vi giết người có thể xảy ra với mình thì sẽ không xử lý về tội danh trên. Tuy nhiên, vẫn có thể khởi tố, xử lý người này về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 (Bộ luật Hình sự 2015).

Hành vi này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp có sử dụng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá hoại thì mức hình phạt có thể tới 07 năm tù.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần một điều luật để bảo vệ nhân viên ngành Y tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO