Sức khỏe

Cần một chính sách thuế thuốc lá tiến bộ hơn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân

Khánh Ngọc 08/05/2025 16:22

Dù thuế đã tăng, giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn quá rẻ, khiến việc kiểm soát tiêu dùng kém hiệu quả, để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng, do đó cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá.

Tại Hội thảo thông tin về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vừa tổ chức sáng 8.5, theo các chuyên gia, dù thuế đã tăng, giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn quá rẻ, khiến việc kiểm soát tiêu dùng kém hiệu quả, để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng, do đó cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá.

Giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn quá thấp

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Việt, trong đó có hơn 84.000 người tử vong do hút thuốc chủ động và gần 19.000 người tử vong do hít phải khói thuốc thụ động.

Không dừng lại ở thiệt hại sức khỏe, việc sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất kinh tế khổng lồ. Theo khảo sát của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, trong khi thuế thu được từ thuốc lá ở Việt Nam chỉ hơn 20 nghìn tỷ đồng, thì phải chi khoảng 110 nghìn tỷ, gấp 5 lần số thu, cho các bệnh do thuốc lá và tử vong vì thuốc lá.

ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, giá thuốc lá tại Việt Nam hiện ở mức rất thấp, khiến sản phẩm này dễ dàng tiếp cận với mọi đối tượng, đặc biệt là người có thu nhập thấp và thanh thiếu niên. Đây là rào cản lớn đối với các nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá.

z6580087693583_00f5db4d623ed0394ea2611226feb867.jpg
ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: PV

Dù đã có những nỗ lực về chính sách, thuế và truyền thông, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ này đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 41,1% (năm 2021), chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.

Với hơn 15 triệu người hút thuốc hiện nay, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề về y tế và kinh tế. Kết quả khảo sát năm 2023 do Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện cho thấy, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá dưới 10.000 đồng/bao, trong đó nhiều loại chỉ ở mức 7.000 - 8.000 đồng.

WHO cũng chỉ ra, giá một bao thuốc phổ biến ở Việt Nam năm 2020 chỉ khoảng 0,9 USD, tương đương 2,8 USD theo ngang giá sức mua (PPP), xếp thứ 15/19 nước khu vực Tây Thái Bình Dương. Như vậy, giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Trong khi đó, chỉ cần tăng giá bán lẻ thuốc lá thêm 10% có thể giúp giảm mức tiêu thụ từ 4–5%.

z6580087694777_7010427ea152f7b55bf5407859ef3156.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: PV

Bổ sung thuế tuyệt đối, tăng thuế theo lộ trình đều đặn

Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Phan Thị Hải cho hay, từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, song với mức tăng khiêm tốn: từ 55% lên 75% trong hơn 10 năm. Các lần tăng thuế diễn ra cách xa nhau và không đủ để tác động đến hành vi tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) cho rằng, mỗi lần tăng thuế chỉ khiến tiêu dùng giảm trong ngắn hạn, sau đó lại tăng trở lại. Một phần do thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh trong khi thuế tăng quá ít. Chỉ số "Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập bình quân" giảm từ 11,43% (năm 2000) xuống chỉ còn 1,36% (năm 2021) – cho thấy người dân ngày càng dễ dàng mua thuốc lá hơn.

vt-ngoc-anh-5556-1717.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN). Ảnh: PV

Thực tế cho thấy, tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam tính theo giá bán lẻ chỉ đạt 36%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo 70 - 75% của WHO, và cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%) hay Singapore (67,5%).

Theo ThS. Phan Thị Hải, “để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn. Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.

Cụ thể về mức thuế, cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại.

tang-thue-1746684092655912674174.jpg
Khuyến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Ảnh: PV

Áp dụng theo lộ trình này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành. Cụ thể theo mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có thể giảm xuống dưới 36%, còn ở nữ giới sẽ dưới mức 1,0%.

Mặt khác, bài học kinh nghiệm từ Thái Lan và Philippines cho thấy tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất để giảm tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc giữ mức thuế thấp như hiện nay không những khiến Nhà nước thất thu mà còn làm gia tăng gánh nặng y tế và tử vong cho xã hội.

Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Phan Thị Hải nhấn mạnh, nếu không hành động kịp thời, Việt Nam sẽ tiếp tục phải trả giá bằng mạng sống, kinh phí điều trị, và sự tụt hậu trong tiến trình hội nhập. Đây là thời điểm nước ta cần một chính sách thuế “dũng cảm” và tiến bộ hơn, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và tránh để tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần một chính sách thuế thuốc lá tiến bộ hơn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO