Cần minh bạch tiền công đức

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:31 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, vấn đề quản lý, sử dụng tiền công đức đã được bàn luận, trao đổi, góp ý nhiều từ ngành chức năng của Trung ương, địa phương nhưng dường như vẫn chưa tìm được lời giải. Bởi bàn về tiền công đức, tiền giọt dầu thực sự là bàn đến một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp. Tiền công đức do người dân tự nguyện góp tấm lòng thành của mình vào những nơi thờ tự, không phải ngân sách nhà nước. Đó là khoản thu hút hỗ trợ cộng đồng để tôn tạo, trùng tu, bảo vệ di tích nên việc đòi hỏi minh bạch rõ ràng là rất khó.

Trên thực tế, việc công đức trong các lễ hội là nét đẹp văn hóa mà bất kể người dân nào cũng muốn tham gia, việc bố trí hòm công đức và điểm ghi nhận công đức thuận tiện cho mọi người thật ra cũng là điều nên làm. Nhưng điều đáng buồn ở chỗ nhiều di tích có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý như UBND xã, phường, Ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ… dẫn tới việc đặt các hòm công đức tràn lan, tùy tiện, ở đâu cũng cố gắng đặt được càng nhiều càng tốt.

Mặc dù, từ giữa năm 2012, Bộ VH, TT và DL đã ban hành Quyết định 2245, yêu cầu mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức; đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên những ban thờ chính. Thế nhưng, qua công tác kiểm tra mùa lễ hội năm 2013, hầu như không di tích nào làm được điều trên, vẫn có di tích đặt tới hơn 30 hòm công đức, khay giọt dầu. Thậm chí, nhiều địa phương còn đem việc thu tiền công đức ra đấu thầu thu.

Công tác quản lý nguồn thu tiền công đức và tiền giọt dầu cũng khiến nhiều người băn khoăn. Mỗi năm, với hàng chục triệu lượt người tham gia lễ hội, tổng số tiền công đức thu được lên tới hàng trăm tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là số tiền công đức khổng lồ ấy đi về đâu, chúng có thật sự được sử dụng cho những việc làm có ý nghĩa và tốt đẹp hay không? Đơn cử như tiền công đức mùa lễ hội năm 2013 trên cả nước thu về hơn 200 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn nhưng không phải là tất cả bởi hầu hết các điểm di tích chưa kiểm soát được tiền giọt dầu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chỉ báo cáo lượng tiền thu được còn chi tiêu như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Công đức là vấn đề nhạy cảm và chưa hề được xử lý ở bình diện quản lý nhà nước. Do đó, cần phải làm cho mọi người đều hiểu được rằng, việc minh bạch tiền công đức không làm ảnh hưởng đến ai mà chỉ có ích thêm cho các nhà chùa, đền, miếu… Một khi mọi chuyện được minh bạch hóa, chúng ta sẽ biết được việc sử dụng tiền công đức thế nào và người làm công đức cũng thỏa nguyện khi biết tiền của mình được sử dụng đúng mục đích.

Bảo Khánh