Cần lý giải thấu đáo

- Thứ Ba, 25/08/2020, 17:57 - Chia sẻ
Cách đây gần 10 năm, Thông tư số 07 do Bộ Giao thông - Vận tải ban hành về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã nâng thời hạn của một số loại giấy phép lái xe. Theo đó, giấy phép lái xe các hạng A4, B1, B2 nâng thời hạn từ 5 năm lên 10 năm đối với người lái xe là nữ có tuổi dưới 55 và nam có tuổi dưới 60. Với nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi vẫn giữ thời hiệu 5 năm.

Về vấn đề này, khi đó, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Quyền (nay là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam) cho rằng, việc kéo dài thời hạn đổi giấy phép lái xe là vì tới đây có mẫu giấy phép lái xe mới bằng nhựa sẽ bền hơn. Giấy phép lái xe sẽ được thay đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người học, thi hoặc đổi bằng. Ngoài ra, việc nâng thời hạn đổi bằng từ 5 năm lên 10 năm nhằm tránh đi lại, tốn kém cho người dân...

Tiếp đó, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định: Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn năm năm, kể từ ngày cấp...

Thế nhưng theo đề xuất mới đây của Bộ Công an tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa được trình Chính phủ, thời hạn của một số loại giấy phép lái xe chỉ còn là 5 năm, thay vì 10 năm như Bộ Giao thông - Vận tải đang quy định. Theo đó, về thời hạn của giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Các giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp...

Trả lời trên báo chí, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với dự thảo quy định này. Ví dụ theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, thời hạn 5 năm chỉ nên áp dụng với một số hạng giấy phép lái xe. Các hạng B1 và B2 nên theo quy định 10 năm như hiện nay vì rút xuống còn 5 năm là gây lãng phí, không cần thiết và phiền hà cho người dân.

Ông Quyền cũng cho rằng, cần làm rõ mục đích của việc thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có những thay đổi và yêu cầu cập nhật kiến thức mới cho lái xe thì việc đổi giấy phép có ý nghĩa. Còn nếu trong điều kiện bình thường đang 10 năm đổi một lần mà thành đổi hai lần thì gây nhiều phiền toái cho người dân. Hoặc nếu muốn rút thời hạn giấy phép lái xe thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu kỹ, có thể chia ra độ tuổi của lái xe bởi với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn sẽ gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ Giao thông - Vận tải lấy ý kiến cũng đề xuất giữ nguyên thời hạn giấy phép lái xe như hiện nay.

Cần nhắc lại rằng, năm 2017, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã đề xuất rút ngắn thời hạn cấp giấy sử dụng giấy phép lái xe ô tô vì thời hạn 10 năm như hiện nay là quá dài. Trong khoảng thời gian này, người lái xe có sự thay đổi về sức khỏe, có thể không đủ bảo đảm để lái xe nhưng cơ quan chức năng không phát hiện sẽ gây ra hậu quả, có thể là tai nạn giao thông...

Việc vì sao phải thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe cần được lý giải thấu đáo và thuyết phục chứ không nên theo cảm tính. Phải làm rõ vì sao thời hạn 10 năm là dài, và thời hạn 5 năm là hợp lý. Vì sức khỏe của mỗi người vì cả lý do chủ quan và khách quan có thể thay đổi từng ngày, từng giờ chứ không cứ là 5 năm hay 10 năm.

Khương Ninh