Theo TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, táo mèo là một cây thuốc dân tộc quý giá, có nguồn khoáng chất và vitamin quan trọng.
Hợp chất tự nhiên chiết xuất từ quả táo mèo chứa polyphenol, đặc biệt các alkaloid và flavonoid có đặc tính chống tăng đường huyết và chống tăng lipid máu, cung cấp một nguồn chất xơ, khoáng chất và vitamin đáng kể.
Carotenoids (Pro -vitamin A), Vitamin A và E là các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa và hoạt động thu dọn gốc tự do, đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các bệnh khác nhau.
Ngoài ra, Vitamin C là vitamin chính có trong táo mèo. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần khoảng 50 mg Vitamin C tiêu chuẩn đối với một người trưởng thành để phát triển.

Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, quả táo mèo có đặc tính chống tăng lipid máu, hạ đường huyết, giảm trọng lượng, kháng vi khuẩn kháng kháng sinh và hoạt tính gây độc tế bào chống lại các dòng tế bào ung thư Hela và HepG-2.
Đồng thời, các bài thuốc dân gian từ quả táo mèo giúp: Chữa thực tích, ăn uống không tiêu; chữa buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, sỏi tiết niệu; chữa đái dầm và kiết lỵ; hỗ trợ tiêu hóa, điều trị rối loạn lipid máu; giảm béo phì, mỡ máu.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, mặc dù, táo mèo có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, nhưng cần sử dụng cho đúng để có hiệu quả tốt và hạn chế các tác dụng không mong muốn.
Chính vì vậy, mọi người cần lưu ý khi ăn và sử dụng táo mèo như sau:
- Người có tiền sử mắc bệnh lý về dạ dày nặng như viêm loét hoặc xuất huyết không nên sử dụng táo mèo quá nhiều, đặc biệt là các món ăn chua, cay từ nó;
- Không nên dùng táo mèo khi đói bụng;
- Người bị sâu răng và trẻ em đang trong thời kỳ đang thay răng không nên ăn nhiều táo mèo, điều này sẽ làm hỏng răng và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc và phát triển răng của trẻ;
- Không nên ăn táo mèo cùng gan lợn;
- Không nên ăn táo mèo cùng các loại rau củ có chứa enzyme thủy phân vitamin C như dưa chuột, bí ngô, cà rốt… vì sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của táo mèo;
- Không nên ăn táo mèo cùng hải sản giàu calci, sắt, carbon, iod và các khoáng chất, protein khác. Trong táo mèo có chứa axit tannic, nếu ăn chung với hải sản sẽ tổng hợp ra protein tannin, chất này có thể gây táo bón, gây buồn nôn, nôn, đau bụng;
- Táo mèo có tác dụng thúc đẩy co bóp tử cung, phụ nữ mang thai ăn không nên ăn nhiều loại quả này;
- Không nên lạm dụng rượu táo mèo, uống quá nhiều sẽ gặp phải những tác hại của rượu nói chung.