Cần lưu ý nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ

- Thứ Ba, 11/01/2022, 06:49 - Chia sẻ
Để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định tăng bội chi ngân sách lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán năm 2022 đã được Quốc hội thông qua), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể có năm cao hơn 25% trong 2 năm 2022 - 2023. Theo chuyên gia kinh tế, điều này cần đặc biệt lưu ý để bảo đảm nợ công bền vững.

PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Học viện Tài chính: Bảo đảm nợ công bền vững

Việc Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ cũng đã chỉ rõ, để thực hiện chương trình, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Như vậy, chúng ta chấp nhận đánh đổi cân đối vĩ mô để lấy tăng trưởng trong khoảng thời gian nhất định. Và bởi vậy, cần đặc biệt lưu ý vấn đề sau.

Để thực hiện chương trình, chúng ta cần phải đi vay. Khi xem xét nợ công bền vững, chỉ tiêu quan trọng là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước. Dự tính, với việc thực hiện chương trình, nguồn vay tăng khoảng 5,08% thì nợ công phải hoàn trả trong mấy năm tới sẽ vào khoảng 27,2%. Rõ ràng, khả năng trả nợ sẽ rất nguy hiểm, nợ công bền vững không còn. Trong bối cảnh đó, nhất thiết phải xem xét cách thức sử dụng và đầu tư nguồn lực sao cho hiệu quả.

Chẳng hạn, với gói hỗ trợ an sinh xã hội và việc làm hơn 53.000 tỷ đồng, Nhà nước nên hỗ trợ cho doanh nghiệp vay thay vì hỗ trợ trực tiếp đến từng người lao động. Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cần tập trung vào lĩnh vực mà chúng ta muốn khuyến khích tiêu dùng chứ không nên áp dụng đại trà. Với gói về phát triển kết cấu hạ tầng hơn 113.000 tỷ đồng, phải xác định rõ dự án nào, ở đâu để tập trung đầu tư, tránh dàn trải sẽ không thể hiệu quả.

Tóm lại, vấn đề công khai, minh bạch rất quan trọng, bao gồm cả lĩnh vực được hỗ trợ, dự án cụ thể. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao, kiểm tra chặt chẽ để tránh việc lợi dụng có gói kích thích này mà dùng tiền vào các lĩnh vực khác sẽ gây nên hệ lụy khó lường!

TS. NGUYỄN HOÀNG HIỆP, Đại học Lincoln, Malaysia: Tránh để doanh nghiệp phá sản vẫn chưa được hỗ trợ

Có thể nói, những chính sách tài khóa, tiền tệ được thiết kế trong dự thảo Nghị quyết với quy mô hỗ trợ hơn 347.000 tỷ đồng là một cố gắng vượt bậc của Nhà nước. Điều này thể hiện sự đồng cảm với những khó khăn, sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân của Nhà nước, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ủng hộ. Với sự quyết tâm, đồng lòng, chắc chắn chương trình sẽ phát huy tác dụng.

Tổng nguồn lực của các chính sách hỗ trợ lần này rất lớn, thực hiện trên diện rộng, áp dụng với nhiều đối tượng khác nhau. Thêm nữa, thời gian áp dụng chỉ trong vòng 2 năm nên rất dễ phát sinh vướng mắc, thậm chí tiêu cực, bị nhóm lợi ích lợi dụng. Vì thế, cần có các quy định thật cụ thể, chi tiết; kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của chính sách gắn với trách nhiệm giải trình, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Bên cạnh đó, phải xây dựng tiêu chí phân bổ chặt chẽ cho các đối tượng doanh nghiệp cụ thể nằm trong diện được nhận gói hỗ trợ này; đồng thời, phải có lộ trình, mốc thời gian triển khai cụ thể và nhanh nhất. Bởi thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện chính sách 3 tại chỗ. Họ đã phải huy động mọi nguồn tài chính, kể cả xin sử dụng lại nguồn tiền ký quỹ thuê đất ở khu công nghiệp, bán đi một phần tài sản gia đình... để duy trì sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách hỗ trợ cần đến với họ càng sớm càng tốt, tránh để doanh nghiệp phá sản vẫn chưa được tiếp cận.

TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Việt Nam: Đặt lợi ích người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ xác định nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên trong số 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Rõ ràng, chúng ta đã có sự thích ứng nhanh nhạy hơn trong phòng chống dịch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đây sẽ là cơ sở quan trọng cho quá trình phục hồi và phát triển đất nước.

Với gói hỗ trợ lần này, tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả là phải xác định được việc sử dụng cho mục đích gì, dự án nào, đối tượng hưởng lợi trực tiếp là ai, tiếp cận ra sao và hiệu quả thế nào? Đáng chú ý, trong số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu lần này, chúng ta tiếp tục xác định cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là điều đã được quan tâm thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản với người dân, doanh nghiệp. Do vậy, lần này, cải thiện môi trường đầu tư cần phải thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn, phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, địa phương.

 Theo đó, khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra một quyết định nào đó phải có giải trình rõ ràng về sự cần thiết, chi phí tuân thủ. Ở cấp độ thực hiện, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức lại quy trình cung cấp thủ tục hành chính ở các cấp cho hợp lý, thông qua hình thức như Chính phủ điện tử hay mô hình một cửa… Tóm lại, phải theo nguyên tắc lấy lợi ích của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm thì cải cách mới có hiệu quả.

Minh Châu ghi