Cần luật về công nghiệp hỗ trợ

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:19 - Chia sẻ
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2021, khi kinh tế thế giới vẫn ảm đạm trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây nhất, ngày 18.1, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD cho Foxconn - hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple. Cùng ngày, địa phương này cũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án khác với tổng số vốn 300 triệu USD. Trước đó, ngày 17.1, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng số vốn khoảng 1 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác 23 dự án cho 18 nhà đầu tư. Còn tại Đồng Nai, chỉ trong 13 ngày đầu năm 2021, địa phương này đã thu hút được 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD - mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua...

Những tín hiệu tích cực như vậy càng củng cố thêm các dự báo và kỳ vọng về sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề phải chủ động xử lý để có thể tối ưu hóa nguồn lực đầu tư quan trọng này, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển.

Trong số những việc cần chủ động xử lý, có một đề xuất đáng chú ý đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ Mười khi xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đó là, Chính phủ phải trình Quốc hội ban hành được một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ. ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, phải xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Lý do, theo ông Lộc là bởi, đúng là chúng ta đang đứng trước làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài rất mạnh nhưng “cũng không nên quá kỳ vọng sự dịch chuyển này sẽ tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu phát triển, thương hiệu, phân phối... mà chỉ có công nghiệp phụ trợ”. 

Sự tương tác, liên kết giữa khu vực FDI với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp... cũng là một trong những tồn tại cơ bản trong thu hút đầu tư FDI của nước ta mà Bộ Chính trị đã chỉ rõ tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ngay trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh quan điểm cần “chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu”; ưu tiên các dự án “... có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”; “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững...”. Trong gần hai năm vừa qua, nhiều đạo luật quan trọng về đầu tư kinh doanh đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm thể chế hóa Nghị quyết 50 cũng như tăng cường hiệu quả kết nối giữa khu vực kinh tế FDI và các khu vực kinh tế khác trong nước. Năm 2020, Chính phủ cũng đã xem xét việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm có những chính sách phù hợp hơn đối với lĩnh vực này.

Tuy vậy, ở thời điểm này, để đón đầu dòng vốn đầu tư FDI mới đang chuyển hướng sang Việt Nam, đề xuất trình Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về công nghiệp hỗ trợ cần được xem xét thấu đáo. Cần hoàn thiện càng sớm càng tốt khung pháp lý và các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước “nâng cấp” lên, đủ năng lực đón nhận, hợp tác với doanh nghiệp FDI và tham gia được vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế thu hút FDI mấy chục năm qua đã cho thấy, nếu không có cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn để kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thì dù có nhiều dự án hơn nữa, nhiều vốn đầu tư FDI hơn nữa “chảy” vào Việt Nam “cũng không ăn thua”, không thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đề ra, bởi nhà đầu tư nước ngoài sẽ lại nhập nguyên liệu, vật liệu về chế biến, chế tạo rồi xuất khẩu còn giá trị gia tăng ở lại nước ta thì vẫn chẳng bao nhiêu.

Hải Lam