Cần lộ trình dài hơi thanh toán không bằng tiền mặt đối với giao dịch tài sản lớn

- Thứ Ba, 19/02/2013, 08:33 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định thanh toán bằng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi đã quy định các giao dịch có giá trị lớn phải thanh toán không bằng tiền mặt. Quy định này hướng tới việc hạn chế dùng tiền mặt trong nền kinh tế, từ đó kiểm soát dòng tiền, tránh rửa tiền, kiểm soát tốt hơn tình trạng tham nhũng… Nhưng ở nước ta thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu, CHUYÊN GIA KINH TẾ CẤN VĂN LỰC cho rằng, không thể áp dụng quy định này ở tất cả các khu vực khác nhau. Thực hiện quy định này cần theo một lộ trình dài hơi, có thể làm trước ở một số thành thị lớn và mở rộng sau.

- Dự thảo Nghị định thanh toán bằng tiền mặt đã quy định các giao dịch lớn không được thanh toán bằng tiền mặt. Bên cạnh tác dụng của quy định này thì không thể không chú ý đến những khó khăn mà người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện, thưa Ông?

- Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là hạn chế tiền mặt chi tiêu. Lượng tiền mặt của nước ta hiện chiếm khoảng 13% lượng tiền chi tiêu của nền kinh tế, cao hơn các nền kinh tế trong khu vực. Vì thế, Chính phủ muốn giảm tiền mặt trong thời gian tới. Tất nhiên vẫn phải tính toán đến các đối tượng ở các khu vực cụ thể. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành lấy ý kiến người dân, các chuyên gia và các nhà kinh tế. Tôi hy vọng khi Nghị định này được ban hành sẽ có nội dung đầy đủ hơn, bảo đảm được lợi ích và quyền của người dân.


Nguồn: phuongnamdongky.com
- Nhưng thưa Ông, với người dân không có phương tiện thanh toán khác ngoài tiền mặt, họ sẽ cảm thấy rất rắc rối khi phải đến ngân hàng?

- Hiện nay chúng ta có bốn phương tiện thanh toán khác nhau ngoài tiền mặt. Đó là thanh toán chuyển khoản, chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác trong ngân hàng; tự các cá nhân giao dịch qua internet banking hay điện thoại di động; bằng séc và ủy nhiệm chi. Trong đó, hai kênh đang phát triển nhanh trên thế giới, cũng như tại nước ta là qua internet và điện thoại.

- Không phải tất cả các tài sản giao dịch đều thanh toán không bằng tiền mặt, mà có hạn mức nhất định. Vậy theo ông, nên đưa ra hạn mức nào thì bắt đầu phải thanh toán không dùng tiền mặt?

- Trước đây hạn mức đã có quy định từ 30 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng, dưới 30 triệu thì được phép thanh toán bằng tiền mặt. Chúng ta cần phải cân nhắc rất kỹ hạn mức này, giống như ngưỡng chúng ta áp thuế thu nhập cá nhân. Với thực tế mất giá của đồng tiền trong thời gian qua thì chúng ta cần cân nhắc kỹ hơn về hạn mức, có thể cao hơn 30 triệu. Hoặc chúng ta có thể giữ mức 30 triệu đồng, song phải tính đến các yếu tố về địa lý, khu vực và các loại giao dịch.

- Thưa Ông, khi quy định cấm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch có giá trị lớn có hiệu lực thì người dân có thể mua loại hàng hóa này bằng phương thức nào?

- Cơ bản có thể dùng điện thoại di động. Nhưng cũng có kênh nữa là dịch vụ chuyển tiền nhanh dù không phải kênh thuận tiện. Vì thế, quan điểm của chúng tôi, đối với các khu vực vùng sâu vùng xa thì cần có lộ trình hợp lý hơn. Đặc biệt dịch vụ tài chính ngân hàng cần vươn ra rộng hơn khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa xôi.

- Có thể thấy, ngoài Ngân hàng NN và PTNT thì ít ngân hàng có mạng lưới tận vùng sâu vùng xa, thưa Ông?

- Hiện nay vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có ba kênh khác nhau, một là Ngân hàng NN và PTNT, hai là Ngân hàng Chính sách xã hội, và ba là các quỹ tín dụng nhân dân. Nhưng về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thanh toán đối với các định chế này chưa phải là thuận tiện. Do đó, đây là mảng cần tiếp tục cải tiến thời gian tới cả dịch vụ ngân hàng và phi ngân hàng.

- Nếu thanh toán qua internet, thì không lẽ mỗi người dân muốn thanh toán như vậy lại phải mua máy vi tính, rồi kết nối internet, rồi mở tài khoản ngân hàng để mua xe máy? 

- Đúng vậy, nếu muốn giao dịch qua internet banking hay điện thoại thì phải có tài khoản ngân hàng. Nhưng dù sao đây mới là dự thảo Nghị định và đang lấy ý kiến của người dân, không nhất thiết áp dụng với xe máy hay tài sản giá trị nhỏ hơn. Hiện mới khoảng 21% lực lượng trẻ của nước ta có tài khoản tại ngân hàng. Trong khi con số này ở Trung Quốc là 64%. Rõ ràng chúng ta còn con đường dài phía trước để người dân quen với việc mở tài khoản và giao dịch tại ngân hàng để văn minh hơn, đỡ những thất thoát liên quan đến tiền mặt.

- Với quy định mua bán bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, thì phải mất vài ngày người bán mới thu được tiền, trong khi, người mua thì mất phí thanh toán. Thưa Ông, trong trường hợp này chỉ ngân hàng là được hưởng lợi, còn doanh nghiệp và người dân đều khó hơn?

- Cũng không hẳn ngân hàng được lợi, vì đây là chủ trương có lợi cho cả nền kinh tế. Người dân quen dùng tiền mặt, nhưng thực ra quản lý tiền mặt rất khó vì liên quan đến tiền cũ, tiền rách, tiền nát. Chưa kể công sức bỏ ra để quản lý tiền mặt, kể cả khi ở dưới gầm giường. Ở nước ngoài họ áp dụng phí quản lý tiền mặt rất cao, phí dụ phí đếm tiền mặt. Còn ở nước ta gần như thì phí này không đáng kể. Còn tiền đổ qua tài khoản thì không hẳn mất vài ngày, mà chỉ một ngày là tiền về đến tài khoản. Thêm nữa các giao dịch liên quan đến bất động sản và chứng khoán, thì nhất thiết cần qua kênh chính thống, hoặc qua ngân hàng, hoặc hình thức khác, nhưng là hình thức bảo đảm quyền lợi các bên.

- Hiện nay đang khuyến khích người dân mở tài khoản và thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Ông, phí với các dịch vụ giao dịch qua ngân hàng cần ở mức nào để khuyến khích người dân sử dụng?

- Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ngưỡng phí là từ 0 đến 0,05% lượng tiền giao dịch. Các ngân hàng muốn khuyến khích thì có thể thu mức phí rất thấp, gần 0%, của người dân. Còn nếu không thu phí thì không nên, vì rõ ràng là dịch vụ đi kèm không tốt.

- Với điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ đã có ý kiến cho rằng cần thực hiện cấm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch có giá trị lớn ở khu vực thành thị trước. Ông có quan điểm như thế nào về đề xuất này?

- Đây là phương án tốt vì không thể áp dụng các quy định này ở tất cả các khu vực khác nhau. Khảo sát của chúng tôi cho thấy hạ tầng ngân hàng ở khu vực nông thôn chưa thực đầy đủ như những nước khác. Do đó, thực hiện quy định này cần theo một lộ trình dài hơi, trong đó có thể làm trước ở một số thành thị lớn và mở rộng sau. Việc thực hiện Nghị định này cần sau 6 tháng từ khi có hiệu lực. Khi áp dụng cũng nên căn cứ ở một số TP như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước cần có đánh giá để xem thành phố hay tỉnh nào, mật độ ngân hàng và mức độ giao dịch của người dân qua ngân hàng như thế nào. Từ đó mới có thể mở rộng. Có thể mất thời gian từ một đến 3 năm mới nên áp dụng.

- Xin cám ơn Ông!

 Nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này là các cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch có giá trị vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt khi mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; giao dịch góp vốn bằng tiền; mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán không qua sở Giao dịch chứng khoán, trung tâm Giao dịch chứng khoán. Đặc biệt, việc mua, bán, chuyển nhượng xe mô tô hai bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cũng không được thực hiện bằng tiền mặt.

Vũ Dũng thực hiện