Gửi đơn kêu cứu đến Báo Đại biểu Nhân dân, bà Nguyễn Thị Trần Mỹ (trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết bà là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, đã được TAND TP Nha Trang thụ lý, đưa ra xét xử tại bản án số 06/2021/DS-ST, ngày 2.2.2021.
Theo nội dung bản án, trong các năm 2017, 2018, bà Nguyễn Thị Trần Mỹ đã nhiều lần hợp đồng vay tiền của ông Tô Văn Huỳnh (trú TP Nha Trang) vào mục đích kinh doanh bất động sản. Tổng số tiền vay nợ hơn 10 tỷ đồng. Trong số tiền này, ông Huỳnh có giao cho bà Mỹ 4 tỷ đồng bằng cách chuyển vào số tài khoản của bà Nguyễn Thị Hằng (trú TP Hà Nội).
Bà Mỹ đã trả nhiều lần trả cho ông Huỳnh được hơn 3,3 tỷ đồng, sau đó thì không còn khả năng trả nợ. Ông Huỳnh khởi kiện bà Mỹ cùng chồng là ông P.Đ.N ra tòa yêu cầu trả số tiền gốc hơn 6,6 tỷ đồng và hơn 1,4 tỷ đồng tiền lãi suất.
Không chấp nhận với bản án sơ thẩm, bà Mỹ làm đơn kháng cáo. Bà Mỹ xác nhận chỉ còn nợ ông Huỳnh 2,6 tỷ đồng. Đối với số tiền 4 tỷ đồng ông Huỳnh yêu cầu, bà Mỹ không đồng ý trả, vì bà cho rằng, ông Huỳnh là người trực tiếp giao dịch với bà Hằng.
Bà Mỹ cũng cho rằng, bà Nguyễn Thị Hằng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ gửi bản trình bày ý kiến về vụ án và đều vắng mặt trong các phiên hòa giải và các phiên xét xử đã ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.
Theo luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” tòa án đã không triệu tập đương sự là bà Hằng theo trình tự tố tụng như vậy là vi phạm về tố tụng. Trong vụ án này, bà Hằng là một nhân tố, mắt xích quan trọng, bắt buộc tòa án phải triệu tập bà Hằng để đối chất, đối chứng làm rõ các tình tiết, chứng cứ, tài liệu trong vụ án. Vì vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Mỹ.
Tại bản án phúc thẩm số 34/2021/DS-PT ngày 11.11.2021, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên buộc bà Mỹ cùng chồng phải trả số tiền cả gốc và lãi hơn 8 tỷ đồng cho ông Tô Văn Huỳnh.
Năm 2022, Chi cục Thi hành án dân sự TP Nha Trang đã tiến hành kê biên tài sản là nhà, đất ở địa chỉ 60 Đồng Nai, thuộc phường Phước Hải, TP Nha Trang của vợ chồng bà Mỹ để đảm bảo việc thi hành án theo quy định. Bà Mỹ đã nhiều lần làm đơn khiếu nại. Năm 2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa đã rút hồ sơ lên xem xét, sau đó ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với tài sản ở địa chỉ 60 Đồng Nai.
Bà Mỹ cho biết, tài sản ở địa chỉ 60 Đồng Nai, ngoài diện tích đất hơn 80m2, còn có căn nhà 6 tầng mới xây dựng, nằm ngay trung tâm TP Nha Trang. Tổng giá trị tài sản không dưới 10 tỷ đồng, vậy nhưng chỉ được định giá hơn 8 tỷ đồng. Sau nhiều phiên đấu giá không thành và hạ giá, tài sản được giao cho người được thi hành án là ông Tô Văn Huỳnh.
Bà Mỹ cho biết, trong quá trình kê biên tài sản, bán đấu giá, vợ chồng bà không hề hay biết. Cơ quan thi hành án không thông báo, không cho vợ chồng bà và ông Tô Văn Huỳnh thỏa thuận về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá; Chấp hành viên đã không lập biên bản theo thỏa thuận của các bên đương sự về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá.
“Họ làm như vậy là không tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự về việc xác định giá tài sản và không đảm bảo nguyên tắc tự thỏa thuận, định đoạt của đương sự. Người được thi hành án là ông Tô Văn Huỳnh, người trúng đấu giá cũng là ông này. Việc này có dấu hiệu không khách quan, khi ông Huỳnh “một mình một sân” thắng đấu giá, nhận lãnh tài sản là nhà, đất số 60 Đồng Nai của gia đình tôi”, bà Mỹ trình bày.
Trao đổi với Phóng viên BáoĐại biểu Nhân dân về các khiếu nại của bà Mỹ, ông Quách Tuấn Định, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, người được phân công tổ chức thi hành án cho biết, tại buổi kê biên, chấp hành viên đã cho hai bên thỏa thuận mức giá tài sản. Trong biên bản, hai bên đã không thống nhất được giá tài sản, theo quy định, chấp hành viên thông báo công khai về lựa chọn đơn vị thẩm định giá.
“Trong hồ sơ có nhiều cái tống đạt người ta không nhận, cơ quan thi hành án đã xuống tận nơi niêm yết tại nhà theo quy định. Sau khi niêm yết, hai bên, không có bên nào yêu cầu định giá lại tài sản, sau đó buộc cơ quan thi hành án đưa tài sản ra đấu giá chứ không phải họ không biết”, ông Quách Tuấn Định thông tin.
Cũng theo ông Định, ban đầu định giá, giá giảm chỉ còn hơn 8 tỷ đồng. Theo quy định của luật, sau khi hạ giá 2 lần, nếu không bán được thì người được thi hành án được phép nhận tài sản đó, cấn trừ vào số tiền nợ.
“Khi người được thi hành án nhận tài sản, cơ quan thi hành án vẫn có một thông báo gửi cho bà Mỹ trong 30 ngày phải nộp đủ số tiền thi hành án đó, thì cơ quan thi hành án trả lại tài sản chứ không giao nữa. Vẫn thông báo hết, nhưng bà Mỹ không còn khả năng”, ông Định cho hay.
Cũng theo ông Quách Tuấn Định, ngoài số tiền bà Mỹ còn nợ ông Tô Văn Huỳnh, số tiền lãi phát sinh và tiền nợ cưỡng chế thi hành án, cơ quan thi hành đã kê biên tài sản thứ 2 của vợ chồng bà Mỹ ở thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang và đã ra thông báo bán đấu giá tài sản này lần thứ nhất. Tài sản này ngoài đất có diện tích hơn 380m2, còn có một căn nhà 2 tầng và được định giá hơn 1,4 tỷ đồng. Bà Mỹ cũng đang khiếu nại và cho rằng, giá này là quá thấp so với giá thị trường.
Theo luật sư Tạ Quang Tòng, liên quan đến việc thi hành án, về mặt nguyên tắc, việc thi hành án là theo đơn yêu cầu của người được thi hành án và phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Thi hành án. Việc kê biên tài sản đảm bảo cho công tác thi hành án và việc bán đấu giá là phải công khai. Người bị thi hành án có quyền được ưu tiên mua lại tài sản thi hành án, do đó phải báo cho người bị thi hành án biết để họ được quyền mua lại tài sản của mình. Nếu cơ quan thi hành án làm không đúng thủ tục thì là vi phạm Luật Thi hành án.
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.