Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần làm rõ quy định mốc thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đồng tình với việc sửa đổi Luật Việc làm nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, song theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang, để phù hợp với thực tiễn của cuộc sống hiện nay, cũng như tương thích với Bộ luật Lao động thì phần quy định về mốc thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp cần phải làm rõ hơn.
Cần tương thích với Luật Lao động
Về mốc thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại khoản 1 Điều 95 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong khi thực tế hiện nay với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân, người lao động không đủ chi phí trong cuộc sống cá nhân, chưa tính đến cuộc sống gia đình của người lao động và mức lương hiện nay doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp hầu hết là theo mức lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 4 triệu đồng một tháng và mức trợ cấp thất nghiệp cũng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng.
Với thực tế trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Ban soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng nên nghiên cứu quy định tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để phù hợp với thực tiễn của cuộc sống hiện nay.

Cùng với đó, tại khoản 2 Điều 95 quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và xem xét có thể bỏ quy định "tối đa không quá 12 tháng", vì theo nguyên tắc có đóng, có hưởng và đóng đến đâu thì hưởng đến đó, không giới hạn để tương thích với khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Lao động năm 2019 về trợ cấp thôi việc. Đó là, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên và mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương mà không giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thôi việc này thì thống nhất với quy định về bảo hiểm thất nghiệp hiện nay.
Cần quy định rõ thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại điểm b khoản 1 Điều 94 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc là bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật là viên chức.
Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang bày tỏ băn khoăn, nếu sau đó người lao động chứng minh và có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc đó là trái pháp luật thì người ra quyết định kỷ luật lao động trái pháp luật đó cũng như chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ xử lý cụ thể như thế nào?

Đồng thời, khi người lao động bị kỷ luật lao động, sa thải hoặc là viên chức bị kỷ luật, buộc thôi việc thì người lao động thực hiện quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc là khởi kiện ra tòa án. Trong khi thời gian giải quyết vụ việc có khi kéo dài từ 2 đến 5 năm mới kết thúc. Việc sa thải, buộc thôi việc này cũng trái với quy định của pháp luật.
“Cho nên, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Ban soạn thảo cũng cần phải làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị.