Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và các đối tượng vi phạm

Minh Trang 15/08/2022 12:29

Sáng 15.8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và các đối tượng vi phạm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh

Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Với những lý do này, thì việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và các đối tượng vi phạm
Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tán thành tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính và phúc đáp yêu cầu của thực tiễn đang xảy ra ngày càng nhiều các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh (Điều 1 và khoản 2 Điều 2), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tại Điều 1 và khoản 2 Điều 2 quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh là xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của: (1) Bộ luật Tố tụng hình sự, (2) Bộ luật Tố tụng dân sự, (3) Luật Tố tụng hành chính, (4) Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, (5) Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, (6) Pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và các đối tượng vi phạm
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định nêu trên và nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã rà soát đầy đủ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh. Hiện nay, chỉ có 3 luật tố tụng là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính có chương riêng và quy định cụ thể về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng (trong đó, việc quyết định bắt giữ tàu bay, tàu biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự). Ngoài ra, các hoạt động khác của Tòa án nhân dân trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng là những hoạt động tố tụng của Tòa án. Nhiều hành vi cản trở được quy định trong 3 luật tố tụng đều đang xảy ra và gây cản trở, khó khăn cho Tòa án trong quá trình xem xét, quyết định các vụ việc nêu trên. Do đó, việc quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

Rà soát kỹ lưỡng để không bỏ sót đối tượng vi phạm

Cơ bản thống nhất cao với sự cần thiết sớm ban hành Pháp lệnh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp này.

Đánh giá quá trình soạn thảo rất công phu, nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, thi hành án là một khâu trong quá trình tố tụng, thì có cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh này hay không? Thực tiễn cho thấy, công tác thi hành án những năm gần đây có nhiều tiến bộ, nhưng cũng còn không ít vướng mắc, khó khăn, như lĩnh vực đền bù, giải tỏa mặt bằng...

Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và các đối tượng vi phạm
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến vấn đề phạt cao hơn đối với một số hành vi cản trở tố tụng hình sự được quy định tại Điều 9, Điều 10 dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Đối với xử phạt hành chính thế này thì có phải áp dụng với đối tượng không phải công chức, viên chức không? Công chức, viên chức áp dụng hình thức xử phạt theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, còn lại ngoài các đối tượng quy định trong dự thảo Pháp lệnh như luật sư, điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên…, thì còn đối tượng nào cần phạt cao hơn mà không phải công chức, viên chức? Ví dụ như Hội thẩm Nhân dân vì họ cũng tham gia vào quá trình tố tụng - thì nếu vi phạm có phạt cao hơn hay không?

Khoản 1 Điều 42, dự thảo Pháp lệnh quy định “Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi quy định tại Điều 10, các khoản từ 1 đến 5 Điều 13; Điều 15; khoản 1, điểm a khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 18; khoản 3 Điều 20, Điều 21; điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 23; điểm b khoản 1 Điều 24 và các hành vi khác theo quy định của Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.”. “Điều 62 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã quy định rõ “chuyển ngay” là như thế nào hay chưa? Nếu không “chuyển ngay” thì có cấu thành nội dung vi phạm hành chính hay không? Hiện tượng không xử lý, không hồi âm thì luật pháp hiện nay quy định thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Pháp lệnh. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong hai ngày tới để hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua và ban hành vào sáng 18.8 tới. Trong quá trình hoàn chỉnh cần cân nhắc làm rõ một số nội dung cụ thể.

Thứ nhất là vấn đề phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Thứ hai, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở tố tụng hình sự, các yếu tố cấu thành hành vi này, mức xử phạt bảo đảm phù hợp tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phù hợp với các bộ Luật liên quan. Đồng thời cần tham khảo thêm các Nghị định của Chính phủ đối với một số hành vi tương đồng để có thiết kế đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó cần rà soát những người có hành vi cản trở tố tụng để không bỏ sót đối tượng.

Thứ ba, thống nhất bổ sung quy định giao cho UBND thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi cản trở tố tụng.

Thứ tư, đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật phối hợp để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý về từ ngữ, thiết kế hợp lý.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và các đối tượng vi phạm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO