Hệ thống truyền thông Quốc gia

Cần kiện toàn hiện đại hơn

- Thứ Hai, 12/10/2020, 06:53 - Chia sẻ
Thực tế thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông nhà nước, được người dân và bạn bè quốc tế ghi nhận. Nhưng để kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh tạo đà cho sự kiện toàn và phát triển truyền thông nhà nước, rất cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị.

"Thắng truyền thông mới thắng được dịch bệnh"

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một trong những vấn đề nhức nhối khi xảy ra dịch bệnh là tin giả được phát tán rộng với tốc độ chóng mặt. Tình trạng này xảy ra do người dân thường rất quan tâm cập nhật tin tức dịch bệnh, nếu thông tin chính thống không đáp ứng đầy đủ sẽ tạo cơ hội cho tin giả phát triển. Nhận thức rõ nguy cơ này, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường cho biết, ngay từ đầu, Tiểu ban Truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã xác định “thắng truyền thông mới thắng được dịch bệnh”. Để thực hiện yêu cầu này, thông tin truyền thông về dịch bệnh được Bộ Y tế cung cấp kịp thời, minh bạch, chính xác; xây dựng kịch bản truyền thông phù hợp với từng giai đoạn…

Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Hải

Thực tế cho thấy, truyền thông chính thống đã thu hút sự quan tâm của người dân. Một số lượng lớn người dân truy cập vào các chuyên trang thông tin do Bộ Y tế thiết lập, cổng thông tin của Bộ cũng như một số tờ báo chuyên ngành… Theo ông Vũ Mạnh Cường, truyền thông chính thống có sức hút trong công tác phòng, chống dịch vừa qua cũng do Bộ Y tế đã chủ động vào cuộc từ đầu, tổ chức gặp mặt báo chí, bố trí chuyên gia để trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin chính thống cho người dân và xã hội…  

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo "Hướng tới hệ thống truyền thông nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu Covid-19", dấu ấn đặc biệt mà truyền thông nhà nước tạo được thời gian qua là đã cung cấp thông tin kịp thời, chính thống đến người dân và xã hội. Truyền thông Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đã cung cấp 15 tỷ tin nhắn tới các thuê bao điện thoại di động, 4 tỷ tin nhắn qua Zalo, 9 triệu tin nhắn qua Viber. Hệ thống đường dây nóng sở y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh, bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố cũng giúp giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin chính xác cho người dân.

Không chỉ đưa thông tin đơn thuần, theo một số chuyên gia, truyền thông chính thống thu hút người dân cũng do sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các hình thức truyền thông. Trên thực tế, cơ quan chức năng đã chủ động làm việc với một số nghệ sỹ để phát hành những bài hát về phòng, chống dịch bệnh, góp phần đưa thông điệp hấp dẫn. Và, không chỉ có một bài hát, nhiều bài hát được phát hành, phổ biến rộng rãi tùy theo từng giai đoạn phòng, chống dịch. Tương tự, nhiều chiến dịch truyền thông với khẩu hiệu đơn giản, gần gũi, thu hút người dân theo dõi được triển khai.

Ông Vũ Mạnh Cường cũng khẳng định, sự chiếm lĩnh của truyền thông chính thống đạt được do các cơ quan truyền thông chủ động nhập cuộc, tăng thời lượng, mở thêm chuyên mục; bố trí thêm phóng viên, biên tập viên; cập nhật thông tin nhanh chóng. Theo ông Vũ Mạnh Cường, các cơ quan truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tạo nên dòng chảy thông tin chủ đạo trong xã hội.

Nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích

Có thể thấy, truyền thông nhà nước đã có nhiều đóng góp, giúp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt được nhiều thành tích quan trọng, tạo dấu ấn với người dân và bạn bè thế giới. Nhìn lại quá trình này, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, thực tiễn tiến hành truyền thông trong đợt dịch bệnh Covid-19 đã cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích về truyền thông nhà nước, nhất là bài học về xây dựng kế hoạch truyền thông bài bản, có hệ thống và chủ động. “Việt Nam với tâm thế sau khi đi qua hai giai đoạn dịch bùng phát đã đúc kết được những kinh nghiệm và bài học hay, theo đó chúng ta có thể nói về truyền thông nhà nước trong bối cảnh nguy cơ, dịch bệnh một cách chủ động và tự tin hơn”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Những kinh nghiệm được tổng kết qua thực hiện chiến lược truyền thông nguy cơ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động truyền thông ở các bộ, ngành thời gian tới. Nhưng đại diện một số bộ, ngành, cơ quan ngang bộ băn khoăn khi triển khai công tác truyền thông này ở từng đơn vị. Nguyên nhân do thông tin ở một số lĩnh vực không gần gũi với người dân, có tính đặc thù, trong khi, đa số cán bộ, công chức làm công tác truyền thông phần nhiều là “tay ngang”, vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu kiến thức chuyên ngành.

Trước những khó khăn này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước Tạ Ngọc Hải cho rằng, các nguyên lý và mô hình tổ chức truyền thông nhà nước trên thế giới chưa được vận dụng tối đa trong các bộ, cơ quan ngang bộ. Dù truyền thông chính sách là một ngành học ở nhiều quốc gia phát triển, song ngành đào tạo này mới được triển khai ở nước ta. Ủng hộ việc quan tâm, đầu tư hơn cho truyền thông nhà nước ở các bộ, cơ quan ngang bộ, song ông Tạ Ngọc Hải lưu ý, việc duy trì vượt quá ba mô hình tổ chức truyền thông như hiện nay (Vụ Thông tin, Trung tâm thông tin, bộ phận truyền thông…) là không hợp lý. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của truyền thông nhà nước tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng mô hình tổ chức bộ phận truyền thông tại Văn phòng Bộ, giúp tránh phình bộ máy, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này trong tổ chức mỗi bộ, ngành hiện nay. 

Để đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, các chuyên gia đề nghị, hệ thống truyền thông nhà nước cần được kiện toàn và hiện đại hơn. Truyền thông là nhiệm vụ của cả hệ thống, không đặt trên vai của người phát ngôn, phòng thông tin hay vụ thông tin như hiện nay. Hệ thống truyền thông nhà nước cũng cần tận dụng thế mạnh của hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh các kênh truyền thông nhà nước trên mạng xã hội, nhằm tối ưu hóa việc chuyển tải thông tin chính sách tới người dân.

Tất nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, yếu tố quan trọng là sự quan tâm của người đứng đầu cơ quan đối với việc cung cấp, minh bạch thông tin và chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng làm việc. Đề xuất thành lập đơn vị truyền thông độc lập sẽ không đúng yêu cầu được đưa ra tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, không được lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.

Lê Bình