Cần khung pháp lý về phòng, chống dịch

- Thứ Tư, 21/07/2021, 06:36 - Chia sẻ
Trong một năm rưỡi chống đại dịch Covid-19, nhiều biện pháp chưa có tiền lệ được coi là hợp lý, giúp kiểm soát tình hình. Mặt khác, nhiều vấn đề lớn đặt ra trong xây dựng và áp dụng pháp luật, đòi hỏi chương trình nghị sự của Quốc hội Khóa XV cần ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, chặt chẽ, vững chắc để phòng, chống dịch hiệu quả mà vẫn bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Trước hết, qua rà soát, có thể thấy pháp luật về phòng, chống dịch bệnh có khá nhiều nội dung thiếu thống nhất, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, trong khi theo Luật Phòng, chống dịch bệnh năm 2007, có những biện pháp chống dịch thông thường thì Nghị định 71/2002/NĐ - CP hướng dẫn Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (ban hành năm 2000) lại coi đó là các “biện pháp đặc biệt” được áp dụng trong “tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm”. Hoặc là hai văn bản quy định khác nhau về điều kiện “tạm thời đình chỉ hoạt động của các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng”.

Ngay trong bản thân Luật Phòng, chống dịch bệnh năm 2007 có những nội dung không rõ ràng, trùng lặp giữa chống dịch thông thường với trong tình trạng khẩn cấp. Ví dụ như các quy định về việc hạn chế di chuyển của người và phương tiện giao thông ra vào vùng có dịch; “hạn chế tập trung đông người” và “cấm tập trung đông người” không có sự khác biệt lớn về mặt nội hàm, tương đương với nhau về hiệu quả.

Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch còn thiếu nhiều nội dung so với thực tế. Chẳng hạn như, không thể tìm thấy quy định trong các văn bản đó về “giãn cách xã hội” toàn tỉnh/thành phố; phong tỏa tòa nhà, khu dân cư; cách ly tập trung tại doanh trại, ký túc xá sinh viên; đóng cửa sân bay, cửa khẩu… Nói cách khác, pháp luật đã không tạo được cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện các biện pháp chống dịch thời gian qua.

Đặc biệt, mặc dù chính thức chỉ là “công bố dịch”, nhưng Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch như trong “tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”, thậm chí có những biện pháp chỉ áp dụng cho “tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”. Như thực tế cho thấy, hầu hết biện pháp đã áp dụng đều hợp lý, giúp ngăn ngừa không cho dịch bệnh lây lan, và quan trọng là được người dân chấp nhận. Tuy nhiên, điều “trớ trêu” là chúng lại vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật hiện hành.

Hơn nữa, các biện pháp như “phong tỏa” thôn, xã, thành phố; hạn chế đi lại; đóng cửa sân bay, chợ, trường học; bắt buộc tạm thời ngừng kinh doanh… đã hạn chế quyền tự do đi lại, quyền làm việc, quyền tự do kinh doanh và một số quyền con người, quyền công dân khác. Theo Hiến pháp năm 2013, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đúng là các biện pháp chống dịch thời gian qua xuất phát từ “lý do sức khỏe của cộng đồng”. Tuy nhiên, một số biện pháp căn cứ trên Luật Phòng, chống dịch bệnh năm 2007 không còn phù hợp; nhiều biện pháp có mức độ nghiêm ngặt như trong tình trạng khẩn cấp, trong khi mới chỉ có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000, mà không phải Luật về tình trạng khẩn cấp do Quốc hội ban hành theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Trong một năm rưỡi qua, bên cạnh thành công ấn tượng, việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch cho thấy những khoảng trống, vướng mắc của hệ thống pháp luật, cả trên văn bản và việc áp dụng thực tế. Chúng ta đã học được nhiều điều từ đợt chống dịch bệnh này trên phương diện y học, truyền thông, công khai, minh bạch... Đồng thời, những bài học về xây dựng pháp luật cũng rất cần được đúc kết; luật hóa những biện pháp chống dịch phù hợp đã áp dụng. Chương trình nghị sự của Quốc hội Khóa XV cần ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Cụ thể là nâng Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lên thành luật; sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống dịch bệnh năm 2007, tạo cơ sở để các biện pháp chống dịch vừa hợp lý, vừa hợp pháp, vừa hợp lòng dân.

Nguyễn Đức Lam