Cần khung pháp lý phù hợp

Xuân Tùng 19/12/2020 20:14

Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của các tổ chức xã hội ngày càng thể hiện rõ rệt. Các tổ chức xã hội đã góp phần đáng kể chung sức cùng Nhà nước trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, do chưa có một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và một cơ chế thực thi hiệu quả nên sự tham gia của các tổ chức xã hội và vai trò còn nhiều hạn chế.

Vai trò và đóng góp của các tổ chức xã hội

Trong những năm qua, các tổ chức xã hội phát triển rất mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tháng 8.2019, tổng số hội trong cả nước là 70.491; trong đó có 530 hội có phạm vi hoạt động cả nước và 69.961 hội hoạt động trong phạm vi địa phương.

Tổ chức xã hội (TCXH) có vai trò rất quan trọng vì tập hợp đông đảo lực lượng xã hội tham gia góp phần xây dựng kinh tế - xã hội thông qua những hoạt động như là người đại diện cho các đối tượng cần sự trợ giúp; có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật; cung cấp thông tin; tiến hành các hoạt động công tác xã hội hướng vào việc thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TS Phạm Văn Tân chia sẻ về kết quả mà các tổ chức xã hội đạt được tại Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2020
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TS Phạm Văn Tân chia sẻ về kết quả mà các tổ chức xã hội đạt được tại Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2020

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), TS Phạm Văn Tân cho biết, trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các TCXH cũng có những đóng góp ý kiến cho các dự thảo Luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế môi trường, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp... đóng góp ý kiến đánh giá tác động của các chương trình, đề án, dự án liên quan đến nguồn nước và môi trường như đánh giá tác động thủy điện vừa và nhỏ được các cơ quan chức năng và xã hội ghi nhận.

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC) Đỗ Thị Vân, các tổ chức xã hội đã xây dựng cẩm nang, tài liệu hướng dẫn hoạt động vận động chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia; tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, kiến thức, bằng chứng để vận động chính sách; tổ chức các sự kiện, huy động sự tham gia của cộng đồng trong vận động chính sách; đóng góp cho các dự thảo Luật.

Theo báo của VUSTA, từ năm 2016-2019, các tổ chức đã đóng góp ý kiến cho 69 dự thảo Luật, 80 dự thảo Nghị định, 156 dự thảo Thông tư… Từ năm 2016-2019 các TCXH trực thuộc VUSTA đã huy động được khoảng 1.750 tỷ, trong đó có 263 dự án viện trợ phi chính phủ, 11 dự án ODA với tổng kinh phí lên tới 42.307.864 USD, trong đó chủ yếu là các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường được triển khai ở cộng đồng dân tộc thiểu số, người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Riêng dự án VUSTA về phòng chống HIV-AIDS do Quỹ toàn cầu tài trợ giai đoạn 2015-2017 là 6,9 triệu USD; giai đoạn 2018-2020 gần 6,5 triệu USD và giai đoạn tiếp theo 2021-2023 là 6,5 triệu USD. TS Phạm Văn Tân chia sẻ, những kết quả, đóng góp của các TCXH là rất đáng tự hào thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm của các TCXH đối với sự phát triển của đất nước.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng hiện nay, các TCXH đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: những rào cản nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của các TCXH; về vấn đề nguồn tài chính hạn hẹp, nguồn ngân sách nhà nước thì khó có khả năng tiếp cận, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài còn vướng phải khó khăn các thủ tục hành chính còn rườm rà trong việc phê duyệt, tiếng nói của các tổ chức xã hội chưa được coi trọng; Bên cạnh đó, một khó khăn, thách thức không hề nhỏ phải kể đến chính là năng lực nội tại của chính các TCXH.

Cùng quan điểm với TS Phạm Văn Tân, BS Đỗ Thị Vân cho rằng: “Các TCXH vẫn còn vướng phải các rào cản pháp lý. Hiện nay cũng chưa có chính sách miễn giảm thuế cho các hoạt động phi lợi nhuận”. Theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP ngày 27.1.2014 và Thông tư 03/2014/TT/BKHCN ngày 31.3.2014 về hướng dẫn thành lập tổ chức khoa học công nghệ thì tính chất phi chính phủ chưa được làm rõ trong loại hình này, chưa có chính sách về thuế, đặc biệt là khung thuế và các chính sách ưu đãi cho hoạt động phi lợi nhuận. Các tổ chức Hội, tổ chức phi chính phủ đang phải làm báo cáo thuế như 1 doanh nghiệp có thu, lợi nhuận trong khi hoạt động lại mang tính chất phi lợi nhuận. Thủ tục hoàn thể không nhất quán, khó thực hiện.

Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn mà các tổ chức phi lợi nhuận đã kiến nghị từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó chính là việc xét duyệt hồ sơ nhận viện trợ. Nghị định số 93/2009/NĐ-CP nêu rõ, các tổ chức phi chính phủ phải xin phê duyệt dự án của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương nếu muốn tiếp nhận viện trợ nước ngoài hoặc triển khai một hoạt động nhân đạo, phát triển. Hồ sơ xin xét duyệt sẽ được phản hồi trong 20 ngày. Thế nhưng, trên thực tế thời gian xin phê duyệt lại dài hơn rất nhiều, có những dự án phải mất nhiều tháng để thẩm định.

BS Đỗ Thị Vân chia sẻ: “Việc phê duyệt rất khó khăn, thậm chí có những dự án không thể nhận được tài trợ vì chậm trễ, đây là một điều vô cùng đáng tiếc.” Chính vì vậy, Nghị định 93/2009/NĐ-CP cần được sửa đổi và thực hiện theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các tổ chức xã hội trong việc tiếp cận nguồn tài trợ quốc tế.

Một khó khăn nữa mà theo BS Vân cho biết, theo quy định Quyết định 06/2020/QĐ-CP, ngày 21.2.2020, tất cả các hội thảo, hội nghị có yếu tố nước ngoài đều phải xin phép không kể quy mô lớn nhỏ. Đơn vị đã phải xin phép phê duyệt dự án, sau đó lại tiếp tục xin phép cho từng hoạt động nếu đó là hội thảo, hội nghị. Với quy định này sẽ gây phiền hà, tốn kém thời gian của các cả hai phía là cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội; đi ngược lại với cải cách hành chính, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Hiện nguồn viện trợ đang giảm dần, tuy nhiên các tổ chức xã hội vẫn rất nỗ lực trong việc huy động nguồn viện trợ ODA và nguồn viện trợ PCPNN. Tuy nhiên, với Nghị định 56/2020/NĐ-CP đã thu hẹp các đối tượng có quyền tài trợ, đồng thời với cơ chế tài chính kiểm soát từ kho bạc nhà nước sẽ gây khó khăn cho việc triển khai dự án và ảnh hướng đến tiến độ cũng như chất lượng dự án.

Theo BS Đỗ Thị Vân cần xây dựng khung thuế cho khu vực phi lợi nhuận; chính sách thuế và hướng dẫn đối với các tổ chức phi chính phủ cần rõ ràng và nhất quán; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần có hướng dẫn định kỳ và có cẩm nang hướng dẫn về thuế đối với các hội, các tổ chức phi chính phủ. “Tôi cũng đi tham khảo một số nước, người ta cũng phải xây dựng một chính sách thuế đối với các tổ chức phi lợi nhuận, ai có hoạt động phi lợi nhuận, thì vào cái ‘sọt’ thuế đấy. Nên chăng trong khi chúng ta vẫn chưa có luật về Hội, thì chúng ta có thể xây luật về thuế phi lợi nhuận? Đấy cũng là một điều rất cần thiết”, BS Đỗ Thị Vân nói.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần khung pháp lý phù hợp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO