Cần khung pháp lý cho công nghiệp môi trường

- Thứ Năm, 07/01/2021, 06:27 - Chia sẻ

Được khởi xướng từ những năm 2000 và đến năm 2009, Đề án đầu tiên về phát triển ngành công nghiệp môi trường đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng cho đến nay đây vẫn là ngành công nghiệp hết sức non trẻ, khiêm tốn: tuy có mức tăng trưởng nhanh trong vài năm trở lại đây nhưng mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu chế biến rác đô thị, khoảng 14% chất thải nguy hại và chỉ khoảng 2 - 3% lượng nước thải dân cư.

Trong khi đó, tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với môi trường ngày càng trầm trọng mà thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được bằng phương pháp trực quan nhất. Số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đa số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chưa gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng trong năm 2019, cả nước đã xảy ra 47 vụ việcô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, trong đó 50% doanh nghiệp mắc lỗi thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, gần 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Cả nước hiện có 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ có khoảng 6,2% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 4.500 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế phát sinh gần 50 tấn chất thải nguy hại và khoảng 130.000m3 nước thải mỗi ngày; gần 790 đô thị thải ra khoảng 3.000.000m3 nước thải một ngày đêm nhưng hầu hết đều chưa được xử lý...

Nếu không có những biện pháp xử lý hiệu quả hơn, tất cả những yếu tố trên đây cộng hưởng với nhau sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười năm 2020 với rất nhiều nội dung, chế định mới, mang tính đột phá được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý mới cho công tác bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Dù vậy, sau khi có Luật, vẫn có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp môi trường phát triển.

Tại sao phải tập trung vào ngành này? Là bởi, với 3 trụ cột chính theo thông lệ quốc tế gồm dịch vụ môi trường; phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị; phát triển và khôi phục tài nguyên - công nghiệp môi trường cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Không chỉ vậy, công nghiệp môi trường còn đang tạo ra nền kinh tế thứ hai (thống kê doanh thu của ngành này trên thế giới đạt khoảng 3 - 4 nghìn tỷ USD mỗi năm và các nước chi trung bình từ 3 - 5% GDP cho môi trường). Công nghiệp môi trường cũng chiếm hơn một nửa giá trị nền kinh tế tuần hoàn khi có khả năng đảm nhận toàn bộ đầu ra chất thải của nền kinh tế này để tiếp tục tái chế, tái sử dụng, tạo ra những giá trị mới cho chất thải.

Nói cách khác, ngành công nghiệp môi trường có vai trò vô cùng quan trọng và dư địa phát triển cũng vô cùng lớn. Vấn đề còn lại là làm thế nào ngành này thực sự phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới? Trước hết phải là chính sách. Dù Đề án của Thủ tướng về phát triển ngành công nghiệp tầm nhìn đến năm 2025 đã được ban hành từ 11 năm trước nhưng theo TS Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay, chúng ta vẫn thiếu khung khổ các chính sách trong triển khai, quy hoạch, phát triển gắn với xu hướng trong nước và thế giới.

Các chính sách, chế tài xử lý ô nhiễm môi trường cũng được giới chuyên gia đánh giá là chưa sâu, chưa sát thực tiễn các ngành, các lĩnh vực, chưa tác động mạnh đến định hướng sản xuất và đầu tư của các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vẫn tập trung vào sản xuất mà chưa chú trọng - nói chính xác hơn là chưa có sức ép cũng như động lực để chú trọng vào việc tạo quỹ, dành quỹ cho việc phòng ngừa, xử lý các sự cố môi trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện vẫn đang là điểm yếu, còn nhiều tồn tại cả trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề.

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách bao gồm các chính sách thị trường, cơ chế và chính sách đầu tư cũng như các chính sách hỗ trợ, phát triển khoa học công nghệ cần được tiến hành kịp thời, đồng bộ, từ đó, tạo ra thị trường mới, mở, với môi trường đầu tư thích hợp cho sự hình thành, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp công nghiệp môi trường. Cần sớm có định hướng phát triển chi tiết cho các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp môi trường. Trên cơ sở này mới có thể xây dựng và hoàn thiện khung chính sách pháp luật để vừa hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển vừa giám sát và kịp thời chấn chỉnh được vi phạm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Cùng với đó, một đổi mới hết sức quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là đã luật hóa nguyên tắc cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân “gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”. Cần có cơ chế chính sách cụ thể để thúc đẩy việc thực hiện nguyên tắc này cũng như nguyên tắc xã hội hóa để thu hút các nguồn lực đầu tư tham gia phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Quỳnh Chi