Qua rà soát, dự thảo Nghị quyết chưa giải quyết được vấn đề nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam thì cơ chế thuế với họ như thế nào? Theo Luật Thuế thu nhập doanh hiện hành, khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế nhưng sau đó, chúng ta lại thu về 15% là rất bất hợp lý. Trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội chưa xử lý được vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề khiếu kiện, các nhà đầu tư hiện hành được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế rất lớn, nếu thu thêm thuế tối thiểu toàn cầu, để bảo đảm mức đánh thuế là 15% sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhà đầu tư. Trong khi đó, lợi ích của nhà đầu tư được bảo đảm theo quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư, tức là quy định bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư. Nội hàm điều khoản bất hồi tố này có nêu quan điểm, chính sách ban hành sau mà tốt hơn cho nhà đầu tư, thì nhà đầu tư được hưởng chính sách mới, nhưng chính sách ban hành sau kém hơn, thì nhà đầu tư vẫn được hưởng ưu đãi trước (nghĩa là theo ưu đãi đang hưởng trong thời gian còn lại).
Ở nước ta, có trường hợp, ưu đãi đầu tư được ghi thẳng trên giấy phép đầu tư. Ví dụ như thuế suất 10% áp dụng "cả đời" cho dự án. Nhưng trường hợp này không còn nhiều, bởi các luật sau này chỉ cho phép ghi trên giấy phép đầu tư là: các nhà đầu tư có nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, với quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt sau khi Quốc hội sửa Luật Đầu tư và Chính phủ ban hành Quyết định 29/2021/QĐ - TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, thì những ưu đãi đầu tư đặc biệt được ghi trên giấy phép đầu tư. Như vậy, các trường hợp nhà đầu tư có ưu đãi trên giấy phép đầu tư, thì ưu đãi cho nhà đầu tư không chỉ được bảo đảm bởi quy định của pháp luật về đầu tư, mà còn được bảo đảm bởi các Hiệp định về bảo hộ đầu tư song phương, đa phương. Những thỏa thuận, Hiệp định về bảo hộ đầu tư song phương và đa phương đều là những cam kết mà nước ta đã ký - đây là những bảo hộ đầu tư mạnh nhất cho nhà đầu tư.
Chính vì vậy, trong trường hợp lợi ích của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, nhất là trong trường hợp ưu đãi được ghi thẳng trên giấy phép đầu tư, nếu khiếu kiện ra cơ quan tài phán quốc tế, khả năng thua kiện của Việt Nam rất lớn. Do vậy, Chính phủ tính toán, cần nhắc đến khả năng này. Hiện nay, theo Tờ trình của Chính phủ vẫn đánh giá, khả năng khiếu kiện là rất nhỏ và gần như không có là chưa chuẩn xác.
Một nội dung chưa được làm rõ trong dự thảo Nghị quyết, đó là vấn đề kê khai và nộp thuế. Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện tự kê khai và nộp thuế. Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng có yêu cầu Chính phủ làm rõ Nghị quyết có giá trị pháp lý cao hơn hay điều khoản bảo đảm đầu tư cao hơn? Tôi cho rằng, Nghị quyết phải được ưu tiên cao hơn và nhà đầu tư phải nộp thuế theo quy định của Nghị quyết. Hơn nữa, do đây là Nghị quyết thí điểm, nên chắc chắn sẽ có những điều khoản trái với quy định của pháp luật hiện hành, nên cần được Chính phủ quy định rõ trong trường hợp có mâu thuẫn thì áp dụng theo Nghị quyết này. Bên cạnh đó, đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung chế tài đối với trường hợp doanh nghiệp không tự nguyện kê khai và nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết, phải có quy định dẫn chiếu sang quy định pháp luật hiện hành về quản lý thuế.
Cũng liên quan đến kê khai thuế, nơi nộp thuế, cách nộp thuế, dự thảo Nghị quyết đang quy định nộp vào ngân sách Trung ương, nhưng cũng có ý kiến đề nghị nộp vào quỹ riêng để sử dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp hoặc hỗ trợ trở lại nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Vấn đề này đề nghị Chính phủ cân nhắc, hướng dẫn thêm.
Dự thảo mới quy định thời hạn áp dụng Nghị quyết là từ 1.1.2024, tức là từ năm tài chính 2024 cho đến khi được thay thế bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Tuy nhiên, Chính phủ đang xin lùi thời hạn sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu không trình dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sớm, thì Nghị quyết này khi được thông qua sẽ áp dụng đến bao giờ?
Mặt khác, dự thảo Nghị quyết còn thiếu quy định về việc thu thuế đối với các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) để giữ quyền thu thuế cho Việt Nam theo quy định về thuế thu nhập tối thiểu của OECD, áp dụng từ năm tài chính 2025. Nếu dự thảo Nghị quyết không quy định, thì phải được nội luật hóa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và phải bảo đảm có hiệu lực từ năm 2025. Nếu càng chần chừ việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) thì sẽ càng có vướng mắc với các nhà đầu tư mới. Vì vậy, đề nghị, Chính phủ khẩn trương sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chính thức bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bảo đảm hiệu lực áp dụng từ năm tài chính 2025.