Kỹ năng thuyết trình, thảo luận và tranh luận của đại biểu HĐND

Cần kết hợp hài hòa giữa kỹ năng và kiến thức

- Thứ Năm, 25/11/2021, 11:46 - Chia sẻ
Thuyết trình, thảo luận và tranh luận là những kỹ năng khó của người đại biểu HĐND, đòi hỏi các đại biểu không những phải có kỹ năng, kiến thức về vấn đề mà mình quan tâm mà còn phải có các kỹ năng mềm đi kèm như thái độ, phương thức biểu đạt, xử lý tình huống và nắm bắt thông tin. Tại buổi học thứ 3 (ngày 24.11) của lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ThS. Ngô Tự Nam đã có những chia sẻ, làm rõ những phương pháp đặc biệt, giúp đại biểu làm tốt kỹ năng này.

Cần có sự chuẩn bị kỹ càng

Chia sẻ về kỹ năng thuyết trình của đại biểu HĐND, ThS. Ngô Tự Nam khẳng định, chỉ khi “đầu vào” tốt thì “đầu ra” mới đạt yêu cầu. Nói một cách khác, chỉ khi đại biểu thu thập được những thông tin, bằng chứng thực thế, bám sát đời sống của cử tri thì mới tạo ra được một bài thuyết trình có sức thuyết phục cao. Việc xác thực độ tin cậy của thông tin có giá trị rất cao không những trong thuyết trình mà cả khi đại biểu phát biểu, tranh luận, thảo luận, chất vấn… Những ý kiến của đại biểu khi thuyết trình hay phát biểu sẽ được lưu lại và trở thành tài liệu của kỳ họp. Chính vì vậy, thông tin được đưa ra càng xác thực sẽ càng nâng cao được uy tín của đại biểu nhưng nếu thiếu chính xác sẽ gây ra hậu quả rất khó lường.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội ThS. Ngô Tự Nam chia sẻ với đại biểu HĐND các địa phương.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội ThS. Ngô Tự Nam chia sẻ với đại biểu HĐND các địa phương.

ThS. Ngô Tự Nam cũng lưu ý, thuyết trình hoàn toàn khác với bài phát biểu thông thường vì có sự phân vai rõ rệt hơn giữa người nói và người nghe. Đại biểu HĐND thuyết trình khi thảo luận tại Kỳ họp HĐND phải nêu quan điểm của mình và thuyết phục đại biểu khác, cơ quan trình dự thảo nghị quyết về phương án, nội dung mà mình phát biểu hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết tới hoạt động của đại biểu. Thuyết trình cũng được đại biểu áp dụng khi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc công dân, để đại biểu giải thích chính sách, pháp luật và thuyết phục công dân về kết quả nghiên cứu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Chính vì vậy, ông Ngô Tự Nam cũng lưu ý, khi xây dựng bài thuyết trình nên đưa ra thông điệp để giúp người nghe ghi nhớ điều đại biểu muốn truyền tải một cách nhanh nhất, bởi thông điệp chính là công cụ hữu hiệu để chạm tới cảm xúc của người nghe. Bài thuyết trình cần cô đọng, rõ ý, giúp biểu đạt mục đích của thuyết trình rõ nhất và tạo được sự sẻ chia, đồng thuận của các đại biểu khác.

Với “Kỹ năng thảo luận, tranh luận của đại biểu HĐND cấp tỉnh”, Ths Ngô Tự Nam chia sẻ, việc thảo luận, tranh luận cần bảo đảm đúng đường lối Đảng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ sự điều hành của chủ toạ kỳ họp và bảo đảm thực hiện văn hoá nghị trường… Với kỹ năng này, cần chuẩn bị sẵn sàng từ bước thu thập, xử lý thông tin; lựa chọn vấn đề để thực hiện thảo luận, tranh luận; xây dựng bài thảo luận ngắn gọn, lắng đọng có trọng tâm, đủ nội dung 3 phần mở bài, thân bài, kết luận.

Các đại biểu tại Hòa Bình tham gia lớp bồi dưỡng
Các đại biểu HĐND tại tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia lớp bồi dưỡng.

Ths Ngô Tự Nam cũng chia sẻ, 3 yếu tố tạo nên ý kiến tranh luận là sự nhanh nhạy, nhạy bén và kiến thức. Đại biểu cần phải cần có cơ sở pháp lý đồng thời nắm chắc vấn đề và phải đánh giá được vấn đề này có cần tranh luận hay không để đưa ra ý kiến một cách kịp thời nhất.

Thái độ và ngôn ngữ quyết định sự thành công

Nói về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngôn ngữ, thái độ, ThS Ngô Tự Nam chia sẻ, kỹ năng thuyết trình được sử dụng rất nhiều trong thực tế, vì vậy, mỗi đại biểu cần và phải chú trọng rèn luyện. Khi thuyết trình, ngôn từ phải chuẩn xác, sử dụng ngôn từ theo văn bản pháp luật. Trong phát biểu phải có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, do vậy, hạn chế sử dụng từ ngữ mang nhiều ý hiểu khác nhau. Đồng thời, cần tuân thủ nội quy, quy định về thuyết trình; linh hoạt thay đổi để phù hợp với người nghe.

"Đặc biệt, hạn chế sử dụng quan điểm cá nhân, bởi đại biểu đang đại diện cho cử tri để phát biểu” - ThS. Ngô Tự Nam nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cần có ứng xử linh hoạt khi thuyết trình, nói kỹ những điều mình cần nhấn mạnh và rút ngắn những phần mà các đại biểu khác đã nói. Ngoài ra, “Đại biểu cần phải biết thế mạnh của mình để phát huy, đó thể là bản lĩnh, giọng điệu, góc nhìn mới, sự hóm hỉnh, ngôn ngữ hình thể, ánh mắt... để phát huy và tạo điểm nhấn cho phần phát biểu của mình” - ThS. Ngô Tự Nam chia sẻ thêm.

Các đại biểu tại Hòa Bình tham gia lớp bồi dưỡng.
Các đại biểu HĐND tại tỉnh Hòa Bình tham gia lớp bồi dưỡng.

Đặc biệt, bước vào quá trình tranh luận, đại biểu phải kiểm soát được thời gian, lưu ý cử chỉ, hình thể và ngôn ngữ; khắc phục việc nêu quá nhiều quan điểm cá nhân và phải đứng từ góc độ cử tri. So với thuyết trình, khi tham gia thảo luận, tranh luận cần chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng hơn, thông điệp phải mạnh mẽ, rõ ràng, thu hút; linh hoạt, kiểm soát nội dung phát biểu; giọng nói phải thể hiện được sự tự tin, rõ ràng, rành mạch, không nói quá nhỏ hoặc quá to, biết điểm nhấn và điểm dừng.

Ngoài ra, về thái độ, đại biểu cũng nên tôn trọng ý kiến trái chiều và đặt mình vào vị trí của người khác, biết thừa nhận sai lầm, biết điểm dừng; cần bình tĩnh và tìm ra một quan điểm chung với đại biểu mà mình tranh luận bởi nói cho cùng, sự tranh luận trên nghị trường không phải để gây căng thẳng mà để làm sáng tỏ vấn đề. Điều này sẽ thể hiện rất rõ phông văn hóa và bản lĩnh nghị trường của người đại biểu dân cử.

Nói chi tiết về vấn đề tâm lý, ông Ngô Tự Nam cũng cho rằng, các đại biểu khi bước vào nhiệm kỳ mới, cần có “tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới”. Nói theo cách khác, bản lĩnh của người đại biểu khi dám nghĩ, dám làm những điều phù hợp với thời đại và xu thế phát triển của đất nước, địa phương mình, dám triển khai các vấn đề mà mình thấy hợp lý, dám nói và đấu tranh ủng hộ những điều tích cực, đồng thời, sẵn sàng phê phán những điều tiêu cực.

Cũng theo ThS. Ngô Tự Nam, việc đại biểu có kiến thức nền về pháp luật và sự am hiểu tường tận về vấn đề mà mình giám sát, theo đuổi là những yếu tố cần nhưng chưa đủ để làm nên một đại biểu có năng lực. Ở khía cạnh là một đại biểu dân cử, họ phải có trách nhiệm với lời nói và hoạt động của mình với cử tri, sẵn sàng tranh đấu cho lợi ích của Nhân dân. Việc một đại biểu hoạt động hiệu quả, trách nghiệm và nhiệt tình sẽ được ví như những “viên gạch hồng” để xây nên một hệ thống HĐND vững mạnh, hiệu quả; xứng đáng là đại diện cho sức mạnh, ý chí, tư tưởng của Nhân dân.

Tùng Dương