Cần "Kế hoạch Marshall" mới

Vũ Quỳnh Theo PS 16/04/2020 08:50

Khi quy mô không thể chối cãi của một cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 đang dần hiện hữu, các quốc gia thành viên châu Âu thay vì nghi ngờ động cơ thật sự của nhau, cần khẩn trương đoàn kết đằng sau một kế hoạch chung giống như "Kế hoạch Marshall" - một kế hoạch trị giá gần 20 tỷ USD đã giúp hồi sinh châu Âu sau sự tàn phá của Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Bóng ma suy thoái

Ngày 9.4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 540 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong số đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) lập quỹ 200 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp; Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) sẽ mở các khoản tín dụng 240 tỷ euro (2% GDP của các nước Eurozone) cung cấp cho các nước yêu cầu hỗ trợ; Ủy ban châu Âu hỗ trợ 100 tỷ euro nhằm giảm tình trạng thất nghiệp tại các quốc gia thành viên (SURE) do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong khi ESM chỉ dành riêng cho các quốc gia trong khu vực Eurozone, thì với EIB và SURE, tất cả các quốc gia thành viên EU đều có thể tiếp cận. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, trước một tình huống khẩn cấp về y tế và kinh tế chưa từng có như đại dịch Covid-19, các nước châu Âu cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa.

Các biện pháp phong tỏa được áp đặt ở hầu hết các nước châu Âu đang tàn phá kinh tế. Hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa, người dân hạn chế ra khỏi nhà, đồng nghĩa với chi tiêu của họ sụt giảm cùng với đà sụt giảm của các hoạt động kinh tế. Phá sản hiện ra lờ mờ đối với nhiều công ty, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, và thu nhập hộ gia đình suy giảm nghiêm trọng.

Theo một ước tính chính thức, nền kinh tế Pháp hiện chỉ hoạt động với công suất bằng 2/3 bình thường. Giả sử điều này xảy ra với toàn bộ EU, việc áp đặt các biện pháp cách ly xã hội và phong tỏa liên tục trong 3 tháng sẽ khiến sản lượng hàng năm giảm khoảng 8% - cú sốc lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Tây Ban Nha, đất nước vốn thu nhập chủ yếu dựa vào du lịch, có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Trên thực tế, mất mát có thể lớn hơn rất nhiều, bởi các nền kinh tế khó phục hồi nhanh như khi suy giảm. Tính thiếu chắc chắn của nền kinh tế sẽ làm tê liệt các hoạt động: Người tiêu dùng sợ hãi vì nợ nần và thu nhập giảm sút, sẽ không tiếp tục mức chi tiêu như trước ngay cả khi họ có việc làm hoặc thu nhập trở lại. Các ngân hàng sẽ không muốn hoặc không thể cho vay trong khi các doanh nghiệp, vừa bị cú đấm gần như knock-out, sẽ không bao giờ có thể phục hồi. Đó là chưa kể không ai có thể khẳng định các biện pháp phong tỏa sẽ không kéo dài thêm vài tháng nữa.

Do đó, các chính phủ châu Âu có hành động kịp thời khi đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Nhưng những con số này là không đủ nếu nhìn vào cách mà Nhật Bản hay Mỹ đã làm. Ở Pháp và Tây Ban Nha, mức tăng tài khóa chỉ khoảng 2% thu nhập quốc dân, thậm chí còn thấp hơn của Italy. Đây là những phản ứng quá dè dặt trước một đại dịch có thể gây ra cơn "trầm cảm" đối với nền kinh tế của cả thế giới.

Hành động nhưng chưa đủ

Tại sao các chính phủ châu Âu dè dặt, họ e ngại điều gì? Chắc chắn không phải vì quy tắc tài khóa của khu vực đồng euro hay quy tắc viện trợ của EU, vốn đã bị đình chỉ hoặc nới lỏng. Tiếp cận thị trường cũng không phải vấn đề, vì chi phí vay của các chính phủ gần như bằng 0 hoặc âm. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ, họ lo sợ các khoản nợ tăng cao sẽ phá vỡ quy tắc khắc khổ do EU áp đặt khi đại dịch qua đi, và nhu cầu tái cấp vốn cao hơn của các chính phủ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

Hiện tại, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tìm cách ổn định thị trường bằng cách cam kết mua ít nhất 750 tỷ euro (820 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thông qua Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) mới, được triển khai cho đến cuối năm 2020, sẽ bao gồm tất cả hạng mục tài sản phù hợp với chương trình thu mua tài sản hiện nay.

Tuy nhiên, Khu vực đồng Euro vẫn là một tòa lâu đài không ổn định, và xu hướng thắt lưng buộc bụng chỉ đang tạm dừng lại. Đó là điều khiến giới chuyên gia lo ngại, sự kết thúc của PEPP cũng là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng thực sự.

Đoàn kết là mệnh lệnh

Có lẽ vấn đề lớn hơn cả là chính trị. Đáng lẽ trước một đại dịch vốn không dừng ở biên giới quốc gia như Covid-19, châu Âu phải xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Ấy vậy nhưng từng quốc gia riêng lẻ lại tìm đến các biện pháp tự bảo vệ một cách đơn độc. Khi dịch bệnh trở nên không thể lơ là ở Italy vào cuối tháng 2, nước này đã đưa ra lời khẩn cầu trợ giúp y tế nhưng không thành viên nào trong số 26 quốc gia còn lại của EU hồi đáp, để cuối cùng Trung Quốc là nước chìa tay ra. Pháp và Đức thậm chí còn cấm xuất khẩu thiết bị y tế - một hành động nhạo báng cho cái gọi là thị trường chung duy nhất. Tương tự như vậy, các nước láng giềng của Italy vội vã đóng cửa biên giới khiến Hiệp ước Schengen mang tính biểu tượng của EU coi như bị khai tử tạm thời. Tồi tệ hơn, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm hồi sinh những chia rẽ và định kiến từng làm rạn nứt EU trong cuộc khủng hoảng 2010 - 2012. Vào thời điểm hàng nghìn người Italy và người Tây Ban Nha đang hấp hối, một số người Bắc Âu đã ngụ ý rằng người Nam Âu khốn đốn trước nạn dịch vì sự kém cỏi của chính họ.

Không có gì ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng đang củng cố tâm lý bài EU cũng như các đảng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt ở Italy. Ngay cả Tổng thống Sergio Mattarella, một nhân vật thân EU, đã tuyệt vọng trước tình trạng thiếu đoàn kết. Trong khi đó, đảng Anh em Italy, những người thậm chí còn cực đoan hơn đảng Liên đoàn cực hữu, đã chứng kiến sự ủng hộ tăng vọt trong các cuộc thăm dò. Nếu một chính phủ theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền ở Italy, họ hoàn toàn có thể rút khỏi những ràng buộc tài khóa cũng như khu vực đồng euro.

Để ngăn chặn một thảm họa kinh tế rộng lớn, xua tan mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng tài chính và mang lại sự đoàn kết chính trị cần thiết, người châu Âu nên lập tức triển khai "Kế hoạch Marshall" chống Covid-19. Để phù hợp với quy mô cuộc khủng hoảng, Eurozone nên cam kết huy động ít nhất 1.000 tỷ euro (8% GDP), dưới dạng các khoản tài trợ chứ không phải là khoản vay, cho những quốc gia cần. Khoản tiền này có thể được sử dụng cho các chi phí như xét nghiệm trên diện rộng và giúp tạo ra sự phục hồi kinh tế cuối cùng.

Kế hoạch trên có thể được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu ghi nợ chung, với tên gọi “trái phiếu Corona” mà ECB sẽ mua và nắm giữ trong tương lai gần. Và để trấn an những người lo sợ một liên minh tài chính vĩnh viễn sẽ được tạo ra thông qua cửa sau, kế hoạch này cũng nên đi kèm điều khoản hoàng hôn (cho phép nó tự động hết hạn sau một thời gian).

Các biện pháp mà các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đưa ra cho đến nay là không đủ. Bảo đảm tiền vay cho các doanh nghiệp nhỏ là hữu ích. Nhưng các khoản vay của EU để giúp hỗ trợ chi phí y tế và các chương trình bảo vệ việc làm thực sự sẽ chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề của các nước như Italy. Bởi việc thành lập quỹ cứu trợ dựa trên các công cụ tài chính mới là sự tránh né vô nghĩa khi các chính phủ vẫn bế tắc trong việc phát hành nợ tập thể. Một Kế hoạch Marshall do ECB bảo trợ mới có thể mở ra cánh cửa. Để làm được điều đó, EU cần đoàn kết. Đoàn kết bây giờ không chỉ vì lợi ích chung, mà còn là mệnh lệnh mang tính sống còn với Liên minh đang nhiều bất trắc này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần "Kế hoạch Marshall" mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO