Cần hướng dẫn thanh toán chi phí, điều trị cho người mắc Covid-19

- Thứ Hai, 11/10/2021, 15:30 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay, 11.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân (2019-2020).
Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành theo Nghị quyết 68

Báo cáo thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân” năm 2019 và năm 2020; Kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày. Theo đó, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68. Cụ thể như, về chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định.

Về mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành đầu tư nâng cấp trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhưng đến năm 2020 chưa hoàn thành, còn 22,1% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu cần đầu tư cải tạo, xây dựng mới. Về nhiệm vụ giảm 50% quá tải bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương vẫn còn tình trạng quá tải xảy ra ở một số bệnh viện tuyến trên, chất lượng chuyên môn của cơ sở y tế ở các tuyến chưa đồng đều...

Về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, năm 2020 tổng thu BHYT là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó tiền đóng BHYT ước thực hiện là 108.485 tỷ đồng tăng 301 tỷ đồng so với năm 2019. Tổng chi cho công tác khám chữa bệnh BHYT năm 2020 là 99.730 tỷ đồng (số này chưa bao gồm 3.668 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán năm 2020). Dự kiến chi phí quản lý quỹ năm 2020 là 4.101 tỷ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu BHYT, giảm so với năm 2019. Chênh lệch thu và chi quỹ BHYT là 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường; số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như sau đó là, mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở; vẫn còn tình trạng NSNN chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT...

Ủy ban Xã hội kiến nghị, tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành NSNN để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng, y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Xử lý nghiêm hành vi trục lợi Quỹ BHYT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có sự phối hợp khá hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT năm 2019, 2020, nhất là những cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68 cũng như trong quản lý và sử dụng Quỹ BHYT. Nổi bật là việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 80 % vào 2020 thì năm 2016 đã hoàn thành.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 để thấy được toàn diện kết quả hạn chế, nguyên nhân sau 8 năm thực hiện. Trong đó quan tâm đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được trên cơ sở bối cảnh mới của đất nước, từ đó, có kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cho giai đoạn tới một cách khoa học, toàn diện, bền vững, hiệu quả và khả thi. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn chuyên môn về khám, chữa bệnh, BHYT, đấu thầu, tự chủ bệnh viện và các văn bản liên quan để tạo sự thống nhất, thuận lợi trong quá trình hoạt động; ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán chi phí và điều trị cho người mắc Covid-19. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; có giải pháp đột phá trong tuyên truyền để duy trì và tăng tỷ lệ tham gia người dân tham gia BHYT; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, xử lý nghiêm những hành vi trốn đóng BHYT, trục lợi quỹ BHYT...

T. Thành