Miễn cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ

Cần hướng dẫn cụ thể

- Thứ Bảy, 06/02/2021, 09:06 - Chia sẻ
Để mở “nút thắt” giúp doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong quá trình triển khai xây dựng, từ ngày 1.1.2021, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng được miễn cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, để vừa bảo đảm thuận lợi cho người dân, vừa không buông lỏng quản lý chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có hướng dẫn chi tiết với chế tài cụ thể.

Mở "nút thắt" xây dựng

Theo quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020, từ 1.1.2021, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng được miễn cấp giấy phép xây dựng. Cụ thể, tại Khoản 30, Điều 1 nêu rõ 3 trường hợp nhà ở riêng lẻ không cần xin giấy phép xây dựng. Thứ nhất là nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Song, trong trường hợp này khi chủ đầu tư xây dựng công trình phải có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.

Thứ hai là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa. Thứ ba là nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Với việc bổ sung các trường hợp công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng năm 2020 được xem như một động thái giải quyết “điểm nghẽn” quan trọng về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng thời gian qua, mở “nút thắt” giúp doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong quá trình triển khai xây dựng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu để người dân tự ý xây dựng nhà ở mà không tuân thủ các quy định trong xây dựng, thiếu sự giám sát quản lý của cơ quan chức năng thì nguy cơ công trình kém chất lượng và không bảo đảm an toàn sẽ khó tránh khỏi, gây hệ lụy khôn lường. Thực tế cũng cho thấy, vẫn xảy ra các vụ việc mất an toàn nghiêm trọng trong xây dựng, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản. Chưa kể, việc quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị không chỉ ở phần nổi, mà còn có những quy định chặt chẽ về không gian ngầm, nhất là tại các đô thị lớn.

3 trường hợp xây nhà ở riêng lẻ không phải xin giấy phép xây dựng  

Nguồn: ITN

Không buông lỏng quản lý chất lượng

Khẳng định việc cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân là cần thiết, song Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cũng đặt câu hỏi, nếu công trình do người dân tự ý xây dựng mà không cần xin phép, khi xảy ra sự cố, đe dọa đến an toàn và tính mạng con người thì cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm? Bày tỏ lo ngại chất lượng xây dựng có nguy cơ bị thả nổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho hay, với những đô thị cổ, nếu không được kiểm duyệt về kiến trúc, người dân tự xây dựng với những kiểu cách không phù hợp sẽ có nguy cơ phá hỏng cảnh quan đô thị cổ.

Theo Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng, dù không phải xin phép nhưng để vừa bảo đảm thuận lợi cho người dân, vừa không buông lỏng quản lý chất lượng, cần phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Theo đó, để kiểm soát chất lượng, các công trình phải được đơn vị chức năng thẩm định, phải đạt các tiêu chuẩn nhà kiên cố phù hợp với các quy chuẩn xây dựng; bảo đảm phù hợp với quy hoạch, các quy chuẩn về độ an toàn kết cấu, phòng chống cháy nổ, thoát hiểm, vấn đề môi trường, số tầng hầm của công trình, diện tích bao nhiêu sẽ được xây dựng tối đa bao nhiêu tầng, đi kèm là các quy chuẩn về nền móng, kết cấu... Riêng đối với công trình nhà ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, sạt lở đất càng phải coi trọng đến kết cấu, chịu lực, độ bền vững của công trình trước các yếu tố tác động của điều kiện tự nhiên.

Cùng với các chế tài chặt chẽ hơn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng quản lý trật tự xây dựng cần được thực hiện thường xuyên hơn, theo sát từ khi khởi công tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm bảo đảm không phiền nhiễu về thủ tục hành chính và quản lý được chất lượng xây dựng. Đồng thời, để bảo đảm an toàn và tôn trọng các quy hoạch chung, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi công trình xây dựng xảy ra sự cố, tai nạn, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng khi thực thi. Nếu cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Hiểu Lam