Giám sát việc thực hiện Luật Du lịch tại Quảng Ninh

Cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tồn tại và phục hồi

- Thứ Năm, 29/04/2021, 19:10 - Chia sẻ
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm du lịch, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Quảng Ninh có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, sẵn sàng để khởi động lại hoạt động du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tiếp tục chương trình công tác tại Quảng Ninh, sáng 29.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện Luật Du lịch 2017. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế

Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành và sự chủ động tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động du lịch Quảng Ninh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Du lịch Quảng Ninh từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế; trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Riêng năm 2019 du lịch Quảng Ninh “bùng nổ” khi đón tới 14 triệu lượt khách, trong đó có hơn 5,7 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 29.487 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch đạt 3.568 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng thu ngân sách nội địa.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Quảng Ninh sẽ không phát triển du lịch bằng mọi giá, và coi văn hóa bản địa là vốn cực quý của tỉnh

Công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được tăng cường và không ngừng đổi mới, đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, định hướng, ban hành các chính sách quản lý, quy hoạch… đã được chú trọng và tập trung chỉ đạo. Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TV ngày 20.3.2012 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược, công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ưu tiên nguồn lực và triển khai hoàn thành đồng thời 7 quy hoạch chiến lược quan trọng với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu thế giới, trong đó Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Tập đoàn BCG (Mỹ) lập. Theo đó, đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức mà tỉnh đang phải đối mặt.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ là chất xúc tác quan trọng tạo sự đột phá trong phát triển du lịch. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đa dạng hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn trong nước có uy tín về đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, như Sungroup, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu... với các sản phẩm đẳng cấp cao: Công viên Đại dương Hạ Long, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf FLC Hạ Long, Vinpearl Hạ Long và nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên...; đang nghiên cứu triển khai các dự án du lịch lớn tại Vân Đồn, Cô Tô, Cẩm Phả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, tỉnh mới phê duyệt 2 đề án liên quan đến lĩnh vực du lịch là Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, và Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh đã được kết nối bằng cả 3 đường (đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường thủy) với những công trình hiện đại, đẳng cấp quốc tế như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn (đang thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái), Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… góp phần thúc đẩy kết nối vùng ở cấp quốc gia, liên kết khu vực ở cấp quốc tế để tạo động lực phát triển du lịch.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch

Trên cơ sở quy định của Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số văn bản về quản lý hoạt động du lịch, điển hình như: Kết luận số 84-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02 - NQ/TU về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Nhìn chung, từ ngày 1.1.2018 ngay khi Luật Du lịch hiệu lực, UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện sâu rộng đến các cơ quan quản lý cấp tỉnh, huyện, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệpvới nhiều hình thức khác nhau như: hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng... Cùng với các công tác này, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm để trực tiếp hướng dẫn các cơ sở về công tác thi hành Luật Du lịch.

Qua thực tế triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Du lịch và các chính sách pháp luật liên quan đến du lịch đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch, đặc biệt là thay đổi nhận thức về du lịch trong Nhân dân và chuyển tải các chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, chuyển tải hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh đến với du khách. 

Đoàn khảo sát tại điểm du lịch Yoko Onsen Quang Hanh

Quảng Ninh đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Du lịch 2017. Trong đó, đẩy mạnh liên kết hàng không, du lịch, điểm đến, doanh nghiệp; tăng cường liên kết vùng, nhất là với thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Năng, tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có lợi thế của du lịch Quảng Ninh gắn với các khu vực động lực, phát triển du lịch (Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái). Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nhất là ở Bình Liêu, Đông Triều...

Phát triển du lịch thông minh, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến... Phát triển kinh tế biển và dịch vụ cảng biển theo Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 23.4.2019 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 27.3.2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam...

Sẵn sàng các điều kiện để khởi động lại hoạt động du lịch sau đại dịch

Đoàn giám sát ấn tượng và đánh giá cao những kết quả trong hoạt động du lịch mà Quảng Ninh đạt được thời gian qua; trong đó từ năm 2020 đến nay vừa làm tốt công tác phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát (năm 2020 tỉnh vẫn đón 8,8 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa). Khẳng định Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch lớn và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc của Nhân dân toàn tỉnh để dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển địa phương nhanh và bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa băn khoăn việc chưa có cơ chế phối hợp để khai thác các di sản nằm trên địa phận 2 tỉnh phục vụ hoạt động du lịch

Đoàn giám sát cũng ghi nhận Quảng Ninh là một trong số rất ít địa phương có quy hoạch phát triển du lịch tương đối đồng bộ, đạt kết quả cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch, nhất là chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch và hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; cộng với việc đầu năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, có ý kiến đề nghị Quảng Ninh nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch địa phương cho phù hợp, nhất là về mục tiêu, lượng khách và định hướng thị trường.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở lưu trú, điểm du lịch, các đại biểu đề nghị Quảng Ninh có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành, sẵn sàng để khởi động lại hoạt động du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh, ngành du lịch phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phục hồi sau Covid-19

Đại dịch Covid-19 thực sự là dịp để chúng ta nhìn nhận lại sức chống chịu của ngành du lịch trước các cuộc khủng hoảng. Vì thế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh, ngành du lịch phải nhìn ra những rủi ro có thể có để tìm giải pháp phù hợp hỗ trợ để doanh nghiệp tồn tại và phục hồi. “Bởi sau dịch rất có thể sẽ xuất hiện một đợt bùng nổ về du lịch”.

Nhật Linh