Cần hỗ trợ dài hơi
Mặc dù, Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6.8.2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đã thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện nhiều nhiệm vụ đề ra vẫn chưa được các bộ, ngành triển khai; triển khai còn chậm.
Điều dễ thấy nhất sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết này là các bộ, ngành liên quan đã dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo đó nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung. Trong đó phải kể đến, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Đầu tư… Ngoài ra, các bộ, ngành cũng đang xây dựng các văn bản liên quan nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là hoàn thiện văn bản pháp luật, mà khâu tổ chức triển khai còn rất nhiều hạn chế. Hiện, một số nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành tại Nghị quyết 115/NQ-CP vẫn chưa được triển khai thực hiện như sửa đổi, bổ sung các Luật thuế; các quy định liên quan đến thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong công tác xử lý môi trường...
Đơn cử, Bộ Tài chính chưa xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm nhập khẩu do các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa có quy định về việc xử lý các sản phẩm thải bỏ của ngành điện tử, ô tô; các nội dung liên quan đến sửa đổi các chính sách về ưu đãi thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô). Hay, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, tuy nhiên các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không phải là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ xử lý các vấn đề về môi trường và hỗ trợ tiếp cận đất đai…
Trong khi đó, hiện mới chỉ có khoảng 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng... ). Chính vì thế việc bố trí, huy động các nguồn lực còn hạn chế, mà nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu mới thực hiện được ưu đãi tiền thuế đất và thủ tục hành chính, kết nối doanh nghiệp.
Từ thực tế này, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước cần bố trí đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng đồng bộ, dài hạn, đầu tư nguồn lực thích đáng, thông qua các chương trình có mục tiêu cụ thể. Và bên cạnh sự vào cuộc của bộ, ngành thì các địa phương cũng cần sớm ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để làm căn cứ bố trí ngân sách triển khai thực hiện.