Quản lý thuốc lá thế hệ mới

Cần hành lang pháp lý

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 18:06 - Chia sẻ
Sớm có khung pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới là đề xuất của nhiều đại biểu tại tọa đàm "Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới” do Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 7.1.2022.

Khuyến nghị của WHO

Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc là mới (được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới) đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ. Tại Việt Nam, sản phẩm này đã xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau dù chưa được phép thương mại. Dựa vào nhu cầu của người dùng trong nước, các sản phẩm được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc nhập khẩu theo đường xách tay. Tình trạng nhập lậu ngày càng đáng báo động trong khi các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Thực tế cho thấy, việc chưa có chính sách để quản lý thuốc lá thế hệ mới dẫn tới thất thu thuế, thất thu ngân sách do chưa xác định được loại hình sản phẩm để quản lý và áp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng có giá trị cao, nếu áp mức thuế tối thiểu tương đương sản phẩm thuốc lá điếu truyền thống (mức thuế nhập khẩu từ 100 - 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế giá trị gia tăng 10%) thì sẽ tạo được nguồn thu đáng kể từ việc quản lý và áp thuế đối với loại hình sản phẩm này.

Toàn cảnh tọa đàm

Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia có chính sách và biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá làm nóng như các sản phẩm thuốc lá điếu, căn cứ các điều trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Trong báo cáo năm 2021, WHO cũng khuyến cáo các sản phẩm mới, kể cả thuốc lá điện tử, cần được đưa vào phương pháp tiếp cận toàn diện để kiểm soát thuốc lá.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát về Hải quan, Tổng cục Hải quan Bùi Hoàng Tám cho biết thêm, Tổ chức Hải quan thế giới đã chính thức phân loại sản phẩm thuốc lá làm nóng theo mã HS.2403 (sản phẩm thuốc lá khác). Các quy định, thông lệ quốc tế sẽ giúp cho Việt Nam đỡ được giai đoạn xác định hình thái, phân loại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Đề xuất thí điểm

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc là bằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012. Vào thời điểm ban hành Luật, chưa có thuốc lá thế hệ mới tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Thế nhưng, điều này không có nghĩa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không áp dụng được cho những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại thời điểm hiện nay.

Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều dạng thuốc lá thế hệ mới
Nguồn ITN

Phó Phòng Công nghiệp Thực phẩm (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) Vũ Đức Nam cho biết, quá trình hoàn thiện đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới có những khó khăn nhất định do sản phẩm này xuất hiện trên khắp các quốc gia trên thế giới nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới cần phải nghiên cứu rất kỹ để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, căn cứ nhu cầu thực tế và phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm giúp công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm này được triển khai hiệu quả, bảo đảm lợi ích của các chủ thể liên quan và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan.

Hiện, nhiều nước đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Á… Mới đây, Trung Quốc cũng đã có dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (GB) cho sản phẩm thuốc lá điện tử.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, trước một sản phẩm mới chưa rõ tác động đối với kinh tế, xã hội như thế nào thì có thể nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận như ta đã từng thực hiện với xe công nghệ Grab, Uber… tức là thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá tác động kinh tế, xã hội và sau đó ban hành chính sách lâu dài.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, thí điểm là phương pháp dung hòa giữa vấn đề liên quan đến sức khỏe con người của thuốc lá thế hệ mới và nhu cầu quản lý mọi sản phẩm thuốc lá của Chính phủ. Đồng thời đây cũng là giai đoạn thực tiễn để đánh giá mọi tác động xung quanh sản phẩm này. Qua đó, các bộ, ngành sẽ có những số liệu khách quan, toàn diện đối với thuốc lá điện tử thế hệ mới để từ đó hướng tới việc xây dựng một khung quản lý hoàn thiện đáp ứng được lợi ích của các chủ thể liên quan như hướng chỉ đạo ban đầu của Chính phủ. Ngoài ra, việc thí điểm còn là công cụ để kiểm soát tình trạng buôn lậu, qua đó bảo vệ kinh tế quốc gia, đồng thời kiểm soát để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tình trạng buôn lậu tấn công thị trường, trong khi các bộ, ban, ngành liên quan lại không đủ công cụ chế tài để xử phạt như hiện nay.

Phạm Hải