Cần giải pháp tổng thể để quản lý ngoại hối

Ngọc Diệu 24/03/2011 08:13

Sau khi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng triển khai Nghị quyết 11, siết chặt thị trường ngoại tệ tự do, trên thị trường ngoại tệ đang xuất hiện một nghịch lý là người dân đã bán, gửi ngoại tệ cho các ngân hàng, nhưng phía ngân hàng lại chưa đáp ứng tốt cho những người có nhu cầu chính đáng. Đây là những phát sinh cho thấy, còn nhiều việc phải làm để tiến tới chấm dứt sự tồn tại của thị trường ngoại tệ chợ đen.

Cần giải pháp tổng thể để quản lý ngoại hối ảnh 1
Nguồn: vangthantai

Với thực tế đang diễn ra, có thể nhận thấy thị trường ngoại tệ tự do đã chuyển thành thị trường ngầm. Tình trạng đô la hóa quá mức trong nền kinh tế đã dẫn đến những thói quen khó bỏ của người dân về sử dụng ngoại tệ trong nhiều giao dịch. Nhu cầu về ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp vẫn cao, trong khi đó các ngân hàng thương mại lại chưa đáp ứng. Và trong các giao dịch, với những quy định hiện hành, dường như các ngân hàng thương mại đang ở cửa trên. Ngân hàng được quyết định bán hay không bán ngoại tệ, được ấn định tỷ giá mua vào, bán ra theo tỷ giá ngân hàng Nhà nước công bố trong biên độ cho phép. Còn người bán ngoại tệ lại cho hệ thống ngân hàng thường có tâm lý bị thiệt vì chỉ được ngân hàng quy đổi với tỷ giá có độ chênh so với thị trường tự do. Theo nghiên cứu viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Huỳnh Thế Du, thực trạng này là do còn sự chênh lớn giữa tỷ giá chính thức do ngân hàng Nhà nước công bố và tỷ giá được trao đổi ở thị trường tự do. Muốn hạn chế thị trường chợ đen, phải làm cho tỷ giá chênh lệch giữa hai thị trường nhỏ, chỉ vài chục đồng trong các giao dịch mua bán, làm cho người dân tin vào sự ổn định của tình hình vĩ mô trong giai đoạn tới thì biện pháp quản lý nguồn ngoại hối của Chính phủ sẽ có hiệu quả.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, tuy đã và đang tiến hành những biện pháp quản lý ngoại hối khá mạnh tay, nhưng cũng ít nhiều bộc lộ lúng túng, khi chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại về đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp bị phớt lờ. Thừa nhận thực trạng này, Vụ trưởng Vụ dự báo thống kê tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, thị trường chính thức không đáp ứng nhu cầu, sẽ phát sinh thị trường tự do. Khi nền kinh tế tiềm ẩn bất ổn vĩ mô, người dân thường có tâm lý tự vệ, tích trữ USD, vàng. Chính tâm lý kỳ vọng này, nhiều khi quá mức, do có những nguồn thông tin không chuẩn xác, dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi cho nền kinh tế. Nhìn rộng vấn đề, là chuyện cung cầu ngoại tệ trong cân đối vĩ mô. Nguồn cung ngoại tệ quốc gia đã có sự cải thiện hơn so với trước đây, nhưng so với nhu cầu sử dụng ngoại tệ của nền kinh tế còn hạn chế, như: nhập siêu lớn kéo dài trong nhiều năm, nguồn thu ngoại tệ của nền kinh tế cũng không tập trung vào hệ thống ngân hàng để có thể phân bổ cho những nhu cầu chính đáng, hợp pháp. Trong khi nguồn cung ngoại tệ còn hạn chế, thì về phía cầu, lại có một bộ phận không nhỏ đầu cơ, găm giữ trục lợi bất hợp pháp, do vậy càng phải có những biện pháp để giảm và tiến tới xóa bỏ thị trường tự do, để tập trung nguồn ngoại tệ cho những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế.

Đồng tình với giải pháp siết chặt quản lý thị trường tự do của Ngân hàng Nhà nước, nhưng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần tránh cách điều hành giật cục, mà nên có một lộ trình thích hợp, tránh kiểu quản lý không quản được thì cấm. Việc siết chặt thị trường ngoại hối, kiên quyết xóa bỏ chợ đen ngoại tệ là biện pháp quản lý cần thiết, nhưng đây chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cái gốc phải là thực lực dự trữ ngoại tệ đủ mạnh của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Thị trường chính thức sẽ có vai trò dẫn dắt, và sẽ giảm thiểu được tác động của thị trường tự do, mà giờ đây đang biến tướng sang các thị trường ngầm. Giải pháp căn cơ là giảm nhập siêu, có chính sách thu hút các nguồn ngoại tệ, từ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối, và ngay cả nguồn ngoại tệ rất lớn đang găm giữ trong dân cư.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần có giải pháp khả thi, kinh tế, tránh mệnh lệnh hành chính để phần lớn nguồn thu về ngoại tệ tập trung trong tay Ngân hàng Nhà nước. Và thực tế cho thấy rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chủ trương quyết sách đúng về quản lý ngoại hối, song rất khó đi vào thực tế, do các quan hệ lợi ích rất phức tạp giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, phát sinh các giao dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Một yếu tố quan trọng khác, là hiện nay, khung pháp lý để quản lý hoạt động ngoại hối - Nghị định về quản lý ngoại hối 2005 - có nhiều điểm còn hạn chế, như cho phép người dân được nhận kiều hối bằng tiền mặt, được gửi tiết kiệm và nhận ngoại tệ, do vậy đã tạo kẽ hở trong quản lý ngoại tệ. Những hạn chế này cần sớm được sửa đổi, để có thêm cơ sở pháp lý trong lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần giải pháp tổng thể để quản lý ngoại hối
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO