Ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai
Đối với công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh hoàn toàn đồng tình với nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đã đề ra. Theo đó, đại biểu ủng hộ cao quan điểm “ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là các hộ nghèo và hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; bằng mọi giải pháp để chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán 2023”.
Bày tỏ lo lắng với dự báo về rủi ro từ biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan càng ngày càng gay gắt, phức tạp và mang tính sống còn, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh cho biết, “tôi tin, không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta đều lo ngại mỗi khi mùa mưa bão đến, đặc biệt là những người dân ở các địa phương của chúng tôi. Đó không còn là cảm giác “lo ngại” mà là “luôn lo sợ”. Có lẽ cụm từ “sống chung với lũ” được bắt nguồn từ các tỉnh miền Trung - “khúc ruột” của dải đất hình chữ S mỗi lần “quặn đau” thì trái tim của cả nước “ứa máu”.
Nêu dẫn chứng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An từ năm 2011 đến nay, chỉ trong 11 năm mà có đến 5 cơn lũ quét, trong đó có 3 cơn lũ quét kinh hoàng. Đó là năm 2011, 2018 và rạng sáng ngày 2.10 vừa qua là cơn lũ kinh hoàng trong lịch sử; lũ chồng lũ và biết đến bao giờ mới an cư nếu như không có các khu tái định cư cho người dân?”. ĐBQH Võ Thị Minh Sinh chuyển tải điều mong muốn thiết tha nhất của người dân vùng thiên tai ở Nghệ An hay các vùng thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ khác của cả nước lên diễn đàn Quốc hội là “an cư lạc nghiệp”.
Triển khai Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều gắn với hoàn thiện xây dựng Luật Phòng thủ dân sự
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh kiến nghị, Chính phủ cần có những giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ đối với các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng thường xuyên của bão, lũ, lụt, ngập mặn để người dân không chỉ sống chung với lũ, sống chung với mặn mà thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu bền vững.
Bên cạnh đó, cần đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng về chất lượng công tác thông tin, dự báo thiên tai và việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều gắn với hoàn thiện xây dựng Luật Phòng thủ dân sự. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai.
Mặt khác, theo ĐBQH Võ Thị Minh Sinh, cần thống kê tổng thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm bao nhiêu % so với GDP mỗi năm, để có cơ sở thuyết phục hơn khi lập và phân bổ dự toán tăng chi dự phòng ngân sách nhà nước để thực hiện phòng chống thiên tai, đồng thời có tiêu chí đặc thù ưu tiên phân bổ nội dung này cho các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần có sự phối hợp lồng ghép chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc phân bổ các nguồn lực.
Thống kê cho thấy, thiên tai từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9.2022 đã làm 136 người chết, mất tích; 210 người bị thương; 639 nhà đổ sập, hơn 15.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái; hơn 20.000 con gia súc và hơn 435.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, thiên tai còn làm hơn 246.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, nhiều tuyến đường giao thông bị hư hại, ách tắc. Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai khoảng 8.915 tỷ đồng.